Tập trung các biện pháp phòng chống, không để dịch chồng dịch

Hoàng Ngân| 21/09/2020 13:08

(TN&MT) - Sáng 21/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, với các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố và tại các quận, huyện, thị xã.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từng bước được kiểm soát, đặc biệt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm tốt được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên đối với các dịch khác như sốt xuất huyết, chân tay miệng, sốt rét tuy đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 nhưng trong thời gian qua, dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng cao cục bộ ở một số địa phương. Đặc biệt ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ghi nhận nhiều ca mắc bệnh bạch hầu.

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 202, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, thời tiết mùa Đông - Xuân là thời gian thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa phòng chống dịch.

“Chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch covid-19 nhưng đồng thời chúng ta cũng phải làm tốt công tác các dịch bệnh khác, không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Do đó, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân không lơ là, không chủ quan với dịch bệnh và kiên quyết ngăn chặn nguồn lây, khoanh vùng, dập dịch có hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, nguy cơ bùng phát dịch tại mỗi vùng là khác nhau. Do đó, ngành y tế cần phân tích kỹ lưỡng nguy cơ tình hình dịch từng khu vực, thành phố, tỉnh. Đồng thời, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích này sẽ đề xuất các hoạt động trọng tâm, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Quang cảnh Hội nghị

“Bên cạnh đó, cần có các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh kịp thời. Cuộc chiến chống COVID-19 đã cho thấy, tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, truy vết và dập dịch. Đây cũng là chiến lược trong phòng, chống và ứng phó các dịch bệnh khác. Ngoài ra, cần phải duy trì các hoạt động thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức và để người dân chủ động phòng dịch hiệu quả. Các biện pháp duy trì, nâng cao tiêm chủng mở rộng, xóa vùng lõm trong tiêm chủng cần được các địa phương đẩy mạnh”, Thứ trưởng Đỗ Tuyên Tuyên nhấn mạnh.

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khi nhận số mắc và tử vong cao do sốt xuất huyết. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc sốt xuất. Đặc biệt, 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

Với dịch bạch hầu, từ đầu năm đến nay cả nước có 198 ca mắc bạch hầu, trong đó, khu vực Tây Nguyên có 172 trường hợp, với nhiều ca tử vong cả ở người lớn và trẻ em. Hướng dẫn các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Theo đó, trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng.

“Tốt nhất nên hoàn thành mũi tiêm thứ 3 khi trẻ trước 6 tháng tuổi. Đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine trên 95% ở tất cả các xã, phường trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Với trẻ em dưới 1 tuổi và người lớn chưa tiêm chủng hay không nhớ tiền sử tiêm chủng cần phải tiêm 3 mũi vaccine bạch hầu cơ bản”, PGS.TS Trần Như Dương khuyến cáo.

Về dịch sốt xuất huyết, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng chống bệnh sốt xuất huyết; GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm ở Việt Nam cũng cập nhật phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở người lớn và phác đồ điều trị bệnh bạch hầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung các biện pháp phòng chống, không để dịch chồng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO