Hội nghị đã phổ biến nội dung của Nghị quyết 36 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phổ biến các nội dung của Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo gồm có 10 chương và 81 điều quy định rõ hơn về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển,...
TS. Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Hội nghị nhằm giới thiệu cho cán bộ, giảng viên và sinh viên về Luật Tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo. Đây là một Luật mới, một bước phát triển mới từ Nghị định số 25 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo và trên cơ sở đưa ra một số nội dung mới, bao gồm: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái nói chung, bảo vệ hệ sinh thái để quản lý môi trường, khai thác tài nguyên một cách bền vững, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân đối với biển và xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển.
Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên bảo vệ môi trường biển và hải đảo luôn được chú trọng triển khai nhằm nâng cao nhận thức, đưa pháp luật vào thực tiễn.
PGS.TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá việc tập huấn Pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nội dung rất quan trọng, rất mới và rất bổ ích cho toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường.
“Các thầy, cô và đặc biệt là các thầy, cô giảng dạy thuộc lĩnh vực biển, đảo và tài nguyên môi trường lồng ghép và đưa nội dung mới này vào giáo trình, giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm trang bị thêm kiến thức và hiểu biết cho các em sinh viên. Từ đó, giúp các em sau khi ra trường với lòng nhiệt huyết và niềm say mê, sáng tạo của tuổi trẻ cống hiến vào sự nghiệp phát triển bền vững biển và hải đảo nước ta” - PGS.TS Phạm Quý Nhân nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự hội nghị, giảng viên và sinh viên của Nhà trường được trang bị thêm những kiến thức sâu sắc về pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; giáo dục lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.