Tập đoàn Long Biên cùng chính quyền nỗ lực phát triển Cụm công nghiệp Thanh Đa

Quyết Thắng| 22/06/2022 15:47

Cụm công nghiệp Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội do Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên là chủ đầu tư, hiện đang trong những bước cuối của công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, trong tháng 6 này, UBND huyện sẽ giải phóng mặt bằng được 100% diện tích dự án và bàn giao tới chủ đầu tư.

Doanh nghiệp tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên, cho biết: “Cụm công nghiệp có quy mô giai đoạn một là 8,3ha. Để triển khai dự án, Công ty luôn phối hợp với chính quyền các cấp từ thành phố đến huyện và xã để triển khai công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi, bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý. Công ty cũng đã có văn bản cam kết với UBND huyện không tiến hành huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng.

Khi Cụm công nghiệp đi vào hoạt động, Công ty sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân nằm trong diện có diện tích đất bị thu hồi giải phóng mặt bằng có cơ sở sản xuất và có nhu cầu thuê địa điểm đặt cơ sở sản xuất, các hộ dân thuộc địa bàn mà Cụm công nghiệp đứng chân, đặc biệt là người dân thôn Phú An”.

anh-2-khu-vuc-giai-phong-mat-bang-trien-khai-cum-cong-nghiep-thanh-da..jpg
Khu vực giải phóng mặt bằng triển khai Cụm công nghiệp Thanh Đa.

Vài năm trở lại đây, với việc xác định mũi nhọn tập trung phát triển Cụm công nghiệp làng nghề, đặc biệt là chính sách thu hút các dự án, Phúc Thọ từng bước vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, cho biết, năm 2021 dù khó khăn vì đại dịch COVID-19 nhưng Phúc Thọ vẫn thực hiện đạt và vượt 20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân huyện giao.

Năm 2022 này, huyện tập trung vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Đáng chú ý, huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng các Cụm công nghiệp để dịch chuyển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công tại các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống của người dân, phòng tránh các nguy cơ về cháy nổ. Việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào các Cụm công nghiệp còn tạo điều kiện phát triển bền vững cho các cơ sở này nhờ khả năng kết nối hạ tầng đồng bộ, thuận tiện cho công tác vận chuyển, xuất nhập hàng hoá.

Ông Nguyễn Đình Sơn chia sẻ, trong việc triển khai xây dựng các Cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó nhất. Vì vậy, ​Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt nội dung, yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

anh-1-co-so-ha-tang-giao-thong-cua-huyen-phuc-tho-duoc-dau-tu-xay-dung-khang-trang-sach-dep.(1).jpg
Cơ sở hạ tầng giao thông của huyện Phúc Thọ được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 6 doanh nghiệp đầu tư vào các Cụm công nghiệp Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Được biết, trong 6 Cụm công nghiệp đó, địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng 100% của 3 Cụm, số Cụm còn lại cũng ở mức cao.

Thông tin về quá trình giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho hay: “Trong công tác giải phóng mặt bằng, lúc đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua quá trình đối thoại, vận động, giải thích rõ các quy định của pháp luật, người dân đã phối hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi”.

Bên cạnh việc tuyên truyền vận động, huyện cũng đồng thời xây dựng hồ sơ cho cả phương án cưỡng chế nhằm tránh việc triển khai dự án quá lâu, ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu các nhà đầu tư cam kết không huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng. Vì vậy, đến nay số hộ bị thi hành phương án cưỡng chế rất thấp và cũng là điểm sáng của Phúc Thọ trong công tác giải phóng mặt bằng thời gian qua.

Bà con kỳ vọng, phấn khởi

Cụm công nghiệp Thanh Đa thuộc thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ được quy hoạch nhằm di dời các cơ sở sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư. Cụm công nghiệp có tổng quy mô khoảng 10 ha. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Đa, cho biết: “Năm 2021, ước tính tổng thu giá trị về từ nghề tiểu thủ công nghiệp đạt 220 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu của xã. Tuy nhiên việc gia tăng sản xuất trong khu dân cư cũng đã dẫn đến hệ luỵ không tốt về môi trường. Ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn đề nóng tại địa phương. Do đó, xã mong muốn Cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để người dân ổn định sản xuất và có môi trường sống được cải thiện”.

anh-3-mot-cong-ty-muon-duoc-chuyen-vao-cum-cong-nghiep-de-san-xuat-kinh-doanh..jpg
Một Công ty muốn được chuyển vào Cụm công nghiệp để sản xuất kinh doanh.

Anh Lưu Đình Viện (trú tại thôn Phú An) cho biết, từ khi biết có dự án triển khai trên địa bàn xã, có doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như Tập đoàn Long Biên là nhà đầu tư tham gia từ những ngày đầu tiên đặt nền móng xây dựng Cụm công nghiệp, anh rất phấn khởi và mong muốn sớm đi vào hoạt động để cải thiện môi trường sống người dân ở đây. Anh Viện chia sẻ, nhà anh có trẻ nhỏ, nên rất mong muốn cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để các cơ sở sản xuất gỗ nội thất sớm được di dời, giảm những tác động môi trường đến sức khỏe của trẻ con và đời sống của chính gia đình, bà con nơi đây.

Theo thông tin từ địa phương, quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng của Cụm công nghiệp đã thực hiện theo đúng trình tự, từ khâu niêm yết công khai đến tổ chức hội nghị với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất. Cùng với việc niêm yết tại nhà văn hóa thôn ở Ủy ban nhân dân xã, các thông tin của dự án cụm công nghiệp còn được phổ biến qua hệ thống đài truyền thanh địa phương.

Bà con nhân dân rất vui mừng, phấn khởi và đón nhận, mong muốn việc giải tỏa mặt bằng ở Cụm công nghiệp thực hiện dứt điểm, để Cụm chóng đi vào hoạt động, góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có địa điểm sản xuất thuận lợi, phục vụ tốt hơn công tác sản xuất, kinh doanh. Người dân địa phương bày tỏ niềm tin tưởng vào sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt có sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Long Biên cùng chính quyền nỗ lực phát triển Cụm công nghiệp Thanh Đa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO