Năng lượng biển - tương lai mới của Chiến lược quốc gia
Diễn đàn đã quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia trong ngành năng lượng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm triển khai Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết số 55 xác định rõ các quan điểm, chủ trương và đề ra các chính sách về chuyển dịch năng lượng, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Vì vậy, Diễn đàn này có 4 Hội thảo chuyên đề góp phần làm rõ xu thế và khả năng phát triển các dạng năng lượng mới trong Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Năng lượng điện gió trong Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia |
Chủ đề thảo luận tại Hội thảo chuyên đề tập trung vào các nội dung chính như: Một số đánh giá thực trạng về năng lực công nghiệp chế tạo và dịch vụ ngành năng lượng Việt Nam; cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ ngành năng lượng, nhất là điện gió ngoài khơi; tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam và chính sách khuyến khích đầu tư điện gió; trao đổi với nhà đầu tư về chất lượng và hiệu quả kinh tế của một số sản phẩm nội địa hóa trong ngành năng lượng; chiến lược tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong ngành năng lượng, một số gợi ý và lộ trình thực hiện.
Đáng chú ý, Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Phát triển điện gió trong Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi đồng chủ trì Hội thảo đã nhận được nhiều câu hỏi về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, vấn đề hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành thủ tục pháp lý, và vấn đề giao khu vực biển… đang là rào cản để nhà đầu tư quyết định đầu tư vào ngành năng lượng mới, đầy tiềm năng này.
Luôn hỗ trợ pháp lý một cách tích cực nhất
Ông Tạ Đình Thi cho biết, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới là 1 trong 6 ngành kinh tế biển đã được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, đây là vấn đề then chốt trong mọi hoạt động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và được Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Thời gian qua, Bộ TN&MT trực tiếp là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản, như Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nghị quyết số 26/NQ-CP đã cụ thể hóa định hướng phát triển năng lượng tái tạo; liên quan đến điện gió, kế hoạch đến năm 2025 đã xác định: Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng biển mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo; phát triển các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau. Nghị quyết đã phân công rõ trách nhiệm các Bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.
Đối với giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Trình tự các bước giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển đã được ban hành dưới dạng Quy trình thuộc thệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015. Hiện nay, Bộ TN&MT đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ Nghị định số 51/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tích cực xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để phát triển hài hòa, cân bằng, phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt, về hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ giao khu vực biển của doanh nghiệp để thủ tục hành chính nhanh gọn, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.
Tiềm năng, nhu cầu phát triển điện gió, trong đó, có điện gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam rất lớn, đặc biệt, tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Phát triển điện gió ngoài khơi là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là xu thế của thế giới, tuy vậy, để chủ trương đi vào thực tiễn tại Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm và có sự chung tay của các Bộ, ngành, Chính phủ, sự hợp tác của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như điện gió ngoài khơi để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.