Chưa tương xứng với giá trị tài nguyên
Tại Việt Nam, giá trị ĐDSH từ rừng mà người dân đang sử dụng trực tiếp ước tính khoảng 140.000 tỷ đồng, tương đương 3,9% tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2013. Lợi ích này giúp 20 triệu người có thu nhập từ khai thác thủy hải sản tự nhiên, 25 triệu người có 20% - 50% thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Việt Nam đã và đang dành các nguồn chi thường xuyên cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Phần lớn nguồn tài chính này hiện dựa vào ngân sách Nhà nước hoặc được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA thông qua các dự án tài trợ, một phần từ các sáng kiến dựa vào thị trường.
Nguồn riêng được bố trí hàng năm trong tổng chi ngân sách đề cập đến trong các văn bản pháp quy như Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004); Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật Thủy sản (năm 2003), Luật ĐDSH (2008). Tuy nhiên, đây mới chỉ là các quy định mang tính chất định hướng, trên thực tế việc huy động nguồn vốn này hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn về cách tiếp cận và thủ tục.
Nguồn đầu tư cho bảo tồn thiên nhiên chưa tương xứng giá trị tự nhiên |
Ngân sách cho sự nghiệp BVMT hàng năm chỉ chiếm 1% tổng ngân sách từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Trong đó, nguồn chi trực tiếp cho bảo tồn ĐDSH chiếm chưa tới 0,4% tổng ngân sách. Tỷ lệ này được cho là thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới
Tính riêng năm 2014, nguồn tài chính cho BTTN có tăng lên, ước đạt khoảng 4.902 tỷ đồng, nhưng cũng mới bằng 3,5% giá trị mà người dân đang khai thác từ các nguồn ĐDSH. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã được áp dụng ở Việt Nam chính thức từ tháng 10/2010. Sau 3 năm, toàn quốc thu được 3.320 tỷ đồng từ 3 loại dịch vụ chính: Nước cho thủy điện, nước sạch và du lịch. Con số này quá nhỏ bé, chỉ tương đương 2,3% so với giá trị từ rừng mà người dân đã và đang sử dụng.
Bên cạnh đó, một phần nguồn tài chính cho hoạt động BTTN ở Việt Nam được huy động từ các dự án tài trợ ODA. Hạn chế của nguồn hỗ trợ này là không thường xuyên, phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho số ít các VQG/KBT có quy mô lớn, ít chú ý đến các KBT vừa và nhỏ (dưới 15.000 ha). Hơn thế nữa, nguồn vốn ODA này có xu hướng giảm trong những năm gần đây khi Việt Nam đã chuyển sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.
Cần tạo cơ chế tài chính bền vững
Thủ tướng Chính phủ đã ban Quyết định số 218 (7/2/2014) phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Các chuyên gia nhận định, để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược, giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính bền vững được xem là có tính then chốt, trong đó một mặt Nhà nước vẫn đảm bảo nguồn lực theo phân cấp hiện hành, mặt khác cần giảm dần sự phụ thuộc của các VQG/KBT vào ngân sách nhà nước. Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều KBT nằm ở các tỉnh có nguồn ngân sách eo hẹp. Để từng bước giải quyết, Nhà nước cần quy định thống nhất tất cả các Ban quản lý KBT/VQG (KBT biển, vùng đất ngập nước nội địa) là đơn vị sự nghiệp có thu, có quyền chủ động thực hiện các dịch vụ công để chi phí và tái đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo tồn với các ưu đãi tối đa về thuế, phí.
Cùng với đó, cần tập trung hình thành cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý Nhà nước có đủ quyền lực và năng lực để xác lập sự hài hòa, đồng thuận ưu tiên bảo tồn trong các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét lại hiệu quả của phân cấp quản lý KBT cho các địa phương như hiện nay và mở ra các cơ hội để các KBT có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo tồn bền vững ngay tại địa bàn. Việc thực thi các sáng kiến về trao quyền cho cộng đồng địa phương và các tổ chức ngoài Nhà nước cùng tham gia bảo tồn cũng vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, sự ủng hộ và quyết tâm về chính trị của Nhà nước, cũng như các khung luật pháp hướng dẫn thi hành cụ thể là yếu tố tiên quyết cần có.
Mặt khác, trong bối cảnh nguồn chi ngân sách hạn chế, nguồn vốn đầu tư từ ODA giảm cũng như nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường còn nhiều rủi ro, cần tăng cường xã hội hóa các nguồn lực cho BTTN. Hiện nay còn thiếu các chính sách cụ thể để huy động đóng góp hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động BTTN.
Các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng trong lĩnh vực BTTN có thể là những thiết chế phù hợp để vận động và huy động đóng góp tài chính, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua cơ chế thành viên; hoặc đóng góp tự nguyện từ các cá nhân, đóng góp tự nguyện phần lợi nhuận của doanh nghiệp vào các quỹ, dự án bảo tồn như một phần của kế hoạch thực thi trách nhiệm môi trường xã hội.
Xuân Hợp