Bờ biển Cửa Đại, Hội An bị sạt lở nghiêm trọng do thiếu lượng phù sa bồi đắp |
Sông Thu Bồn bắt nguồn từ vùng núi mạn Tây Quảng Nam, đến địa bàn huyện Quế Sơn, Duy Xuyên thì trở thành dòng sông lớn hợp lưu với sông Vu Gia từ phía bắc chảy qua địa phận huyện Đại Lộc, TP. Đà Nẵng rồi đổ ra biển. Hệ thống lưu vực sông, vùng bờ của Quảng Nam - Đà Nẵng có mối quan hệ hữu cơ với nhau, nên việc quản lý, khai thác không khoa học, không dựa trên cơ sở khách quan, điều kiện tự nhiên vốn có thì những hệ lụy của nó là rất nguy hiểm, chi phí khắc phục sẽ không thể tính hết. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng hiện nay là phải khẩn trương cùng nhau thể chế hóa các quy định, tạo ra một cơ chế quản lý thống nhất đối với lưu vực sông cũng như đới bờ của 2 địa phương này.
Nhiều năm qua, cách quản lý truyền thống đơn ngành, đơn vùng và chưa xem xét ảnh hưởng tới vùng bờ biển đang đẩy các lưu vực sông và vùng bờ biển của Quảng Nam - Đà Nẵng vào thế phát triển thiếu bền vững. Trên thực tế, sự phân bố và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành dùng nước khác như nông nghiệp, sinh hoạt, môi trường... đã nảy sinh những mâu thuẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Thủy điện cũng đang làm giảm đi phần lớn lượng phù sa đưa xuống vùng hạ lưu đã làm thay đổi cơ cấu dòng chảy tự nhiên của dòng sông theo chiều hướng bất lợi, làm tăng khả năng đe dọa lũ vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô dẫn đến tình trạng xâm thực biển và tăng độ nhiễm mặn trên sông. Nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và khai thác cát, sỏi trên sông cũng là các tác nhân gây nên sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, xói lở bờ sông, bờ biển, gây lũ lụt bất thường. Những tác động từ phía thượng nguồn lên hệ sinh thái rừng dừa nước, các thảm thực vật ven sông Thu Bồn - Vu Gia, thảm cỏ biển, rạn san hô ven bờ, nguồn thủy sản gần bờ, hiện tượng cát bay, cát lấp... cũng là những vấn đề đáng quan ngại hiện nay đối với tỉnh Quảng Nam.
Đối thoại bàn tròn về cơ chế phối hợp quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng vừa được tổ chức tại Hội An |
Bà Bùi Thu Huyền (Tổ chức IUCN) cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn - Vu Gia và biển Cửa Đại một cách nghiêm trọng như hiện nay là do hệ thống quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông cũng như vùng bờ vẫn đang được thực hiện theo cách truyền thống, tức là dựa theo địa giới hành chính và cơ chế tách biệt giữa các địa phương, các ngành; thiếu cơ chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và các bên liên quan trên cùng địa bàn. Việc quản lý lưu vực sông và vùng bờ biển phải nhấn mạnh đến tính phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống lưu vực sông, nhất là tính lồng ghép về thể chế và cơ chế chính sách mang tính liên vùng, liên tỉnh để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực như thời gian vừa qua.
Từ năm 2013 đến nay, thông qua chương trình MFF Việt Nam, IUCN đã phố hợp với tỉnh Quảng Nam và đối tác tổ chức chuỗi các sự kiện nhằm thúc đẩy việc áp dụng phương thức mới trong quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển thông qua các hoạt động như: hội thảo khởi động, xây dựng nghiên cứu đánh giá và khuyến nghị chính sách nhằm mục đích tăng cường công tác phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng để chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Nạn khai thác cát ồ ạt đã khiến Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn bị thay đổi dòng chảy theo chiều hướng bất lợi |
TS. Vũ Thanh Ca, Trưởng ban điều phối MFF Việt Nam cho biết: Việc quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ theo cách tiếp cận " Từ đầu nguồn xuống biển" ( R2R) là phương thức quản lý không gian mới của thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn và Vùng bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các đặc trưng cơ bản để chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong quản lý tổng hợp lưu vực sông, giúp 2 địa phương phối hợp quản lý tốt hơn lưu vực sông và vùng bờ biển để phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả những vùng tài nguyên sẵn có, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an ninh, xã hội và bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên tái tạo trên lưu vực sông và bờ biển.
Hệ lụy của việc thay đổi dòng chảy đã khiến bờ sông Vu Gia và Thu Bồn bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất đi hàng trăm ha đất canh tác |
Trên thực tế hiện nay, vấn đề quản lý lưu vực sông đã có Luật nước sửa đổi, trong đó đã thể chế hóa các cơ chế quản lý. Tuy nhiên, việc chia cắt phân ngành về không gian vẫn còn tồn tại, địa phương vùng ven biển thì cứ quản lý theo cách của mình, còn địa phương ở lưu vực thì quản lý theo cách riêng. Do vậy, Quảng Nam và Đà Nẵng cần thiết phải có một thể chế quản trị liên ngành, liên vùng. Không nên chia cắt ngành quản lý lưu vực sông và đới bờ, mà phải lồng ghép vào nhau để không có sự chồng chéo và trùng lặp. Vấn đề nào nảy sinh liên vùng phải được giải quyết theo một cơ chế liên ngành, liên vùng chứ không thể giải quyết theo cơ chế truyền thống lâu nay thì mới đánh giá và làm rõ được những tác động, nguy cơ và mối quan hệ giữa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với vùng bờ biển của Quảng Nam và Đà Nẵng.
Dương Bùi