Tàng trữ động vật hoang dã trái phép có thể bị phạt tù đến 15 năm

02/01/2018 16:42

Bà Bùi Thị Hà, Giám đốc Chương trình Chính sách và Pháp luật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nhận định: “Những thay đổi đáng kể trong chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về ĐVHD của BLHS 2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các nỗ lực bảo vệ ĐVHD của Việt Nam. Với việc nâng mức tối đa của khung hình phạt cho tội phạm về ĐVHD lên đến 15 năm tù, lần đầu tiên các đối tượng phạm tội có khả năng bị xử lý với mức hình phạt tương xứng với lợi nhuận to lớn mà chúng thu được từ ĐVHD. ENV tin rằng chỉ có chế tài hình sự nghiêm khắc mới có thể giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam”.   

(TN&MT) - Từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 – gọi tắt là BLHS 2017) đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Hàng loạt các mẫu động vật hoang dã đang tàng trữ tại nhiều nhà hàng (Ảnh ENV)
Hàng loạt các mẫu động vật hoang dã đang tàng trữ tại nhiều nhà hàng (Ảnh ENV)

Với lợi nhuận được đánh giá ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán ĐVHD đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. Nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này. Hồi tháng 4/2017, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến, được biết đến là kẻ cầm đầu một trong những đường dây buôn bán ĐVHD lớn từ châu Phi về Việt Nam cũng đã bị bắt giữ tại Hà Nội với một số lượng tang vật ĐVHD lớn.

“Chúng ta đã có trong tay một công cụ lý tưởng nhất. Thế nhưng BLHS 2017 có thể thực sự phát huy hiệu quả, đóng góp cho các nỗ lực bảo vệ ĐVHD hay không, quyết định hoàn toàn nằm trong tay của các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án và Viện kiểm sát. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần làm cho những kẻ tội phạm hiểu rằng chúng ta không nói suông, cái giá phải trả cho việc thu lời bất chính từ ĐVHD không chỉ là bị “mất một chuyến hàng” mà còn là những ngày dài sau song sắt nhà tù”, bà Hà cho biết thêm. 

Theo cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV, giai đoạn 2014 – 2016 có khoảng 17,9% trên tổng số 156 vụ vi phạm hình sự về ĐVHD mà ENV cập nhật được kết quả xử lý có áp dụng mức phạt tù giam với các đối tượng phạm tội. Con số này trong giai đoạn 2010 – 2013 là 21,5%. Các vụ việc còn lại đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo – những hình phạt được đánh giá là chưa đủ sức răn đe và cũng không gây tổn thất nhiều so với món lợi khổng lồ từ buôn bán ĐVHD. Do vậy, với những thay đổi của BLHS sắp tới, ENV mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thực sự quyết tâm triệt phá tội phạm về ĐVHD và áp dụng những mức phạt nghiêm khắc nhất, phù hợp với tính chất nghiêm trọng của tội phạm để góp phần răn đe và phòng ngừa hiệu quả tội phạm từ ĐVHD.

Một số điểm nổi bật trong chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về ĐVHD tại các Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã), Điều 242 (Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản) và Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) của BLHS 2017.

1.       Các tội phạm về ĐVHD đều quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân có thể bị xử phạt tối đa lên đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu vi phạm.

2. Hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của ĐVHD trái phép vì bất kỳ mục đích gì đều có khả năng bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.       Xử lý hình sự vi phạm về ngà voi từ 2kg và sừng tê giác từ 50g (không phân biệt chủng loại voi và tê giác).

4.       Xử lý hình sự những vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.

5.       Xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) với số lượng từ 3 cá thể lớp thú, 7 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể ĐVHD khác trở lên.

6.  Lần đầu tiên xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES (trong đó có cả động vật thủy sinh và động vật rừng) trị giá từ 150 triệu đồng hoặc ĐVHD khác trị giá từ 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng.

7.       Xử lý hình sự hành vi khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp tại Điều 244 mà gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tàng trữ động vật hoang dã trái phép có thể bị phạt tù đến 15 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO