Tăng sức “đề kháng” trước ngập lụt đô thị: Ba kịch bản ứng phó của Thủ đô

Tuyết Chinh| 07/07/2020 10:47

(TN&MT) - Ba kịch bản được Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đưa ra dựa vào lượng mưa và thời gian mưa gồm: Kịch bản 1 cho lượng mưa dưới 50mm trong 1 ngày; Kịch bản 2 với lượng mưa từ 100 - 200mm trong 3 ngày; Kịch bản 3 cho lượng mưa từ 200 - 300mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày.

Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT TP. Hà Nội) cho biết, các kịch bản phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành Hà Nội được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm những năm gần đây. Trong đó, với trận mưa dưới 50mm trong 1 ngày theo đánh giá chung không gây ngập úng, chủ yếu vận hành các công trình tiêu tự chảy, trong trường hợp không tiêu tự chảy được phải vận hành các trạm bơm tiêu cưỡng bức.

Hàng nghìn người dân chịu ảnh hưởng do ngập lụt ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) năm 2018. Ảnh: Hoàng Minh

Với Kịch bản 2 - lượng mưa từ 100 - 200 mm trong 3 ngày, căn cứ theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Chẳng hạn như, đối với cây lúa ở giai đoạn đầu (cấy bén rễ - đẻ nhánh) phải đề phòng úng ngập với những chân ruộng thấp, tranh thủ tiêu nước đệm khi mực nước các sông còn thấp. Khi không tiêu tự chảy được phải đóng các cống tiêu dưới đê, vận hành hết công suất các trạm bơm, sẽ có một số diện tích thuộc các vùng trũng bị sâu nước, các công ty thủy lợi phối hợp địa phương khoanh vùng, tiêu dần từ thấp lên cao, vận hành các trạm bơm tiêu cục bộ để tiêu nước.

“Với kịch bản này, tổng diện tích úng ngập dự kiến khoảng 13.762 ha. Nếu xảy ra vào giữa hoặc cuối vụ, với khả năng công trình hiện nay có thể chống úng, cứu được cơ bản toàn bộ diện tích”, ông Tuấn nói.

Còn với Kịch bản 3 cho lượng mưa từ 200 - 300mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày, ông Tuấn đánh giá đây là kịch bản mưa bất lợi. Trong trường hợp bất lợi này có thể buộc phải có những biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại cục bộ, khoanh khép kín những lưu vực có khả năng chống úng hiệu quả, đồng thời, phải đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, các hồ chứa nước.

Theo Kịch bản 3, tổng diện tích úng ngập dự kiến khoảng 29.945 ha. Giải pháp khắc phục là tranh thủ tiêu kiệt nước đệm ngay khi có dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới, huy động toàn bộ các trạm bơm điện hiện có để chống úng kịp thời. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và có biện pháp xử lý ngay giờ đầu sự cố, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức “đề kháng” trước ngập lụt đô thị: Ba kịch bản ứng phó của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO