Đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT
Thời gian qua, Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh viện trở thành “con nợ” do chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được bảo hiểm thanh toán, dẫn đến khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở KCB BHYT, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã cử 4 Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với các địa phương tại 8 cụm tỉnh, thành phố trong tháng 8.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các chỉ đạo để cùng tháo gỡ, xử lý.
Ông Phúc khẳng định, với các nội dung thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam khẩn trương xử lý để đưa vào quyết toán năm 2021. Đối với những chi phí thuộc về cơ chế chính sách mà vẫn đang vướng, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế để giải quyết.
“Đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do khó khăn trong việc xử lý phần chi chí vượt dự toán”, ông Phúc nói.
Theo quy định, khi thanh quyết toán BHYT, các cơ sở KCB BHYT phải thuyết minh đầy đủ lý do đối với phần vượt dự toán chi phí KCB BHYT. Tuy nhiên, quá trình báo cáo, thuyết minh của các cơ sở KCB thường chậm, không kịp với kỳ quyết toán.
Ông Lê Văn Phúc giải thích rõ hơn: "Nếu trong khoảng tháng 4, 5 của năm sau mà cơ sở KCB không gửi đầy đủ hồ sơ thủ tục thuyết minh sẽ không tổng hợp được để quyết toán chi phí của năm đó, dẫn đến bị chậm. Việc chậm này được tổng hợp chi phí vào năm sau".
Theo ông Phúc, với phần chi phí vượt của năm 2021, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết tạm thời để tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở KCB.
Còn chi phí vượt định mức của năm 2019 - 2020, ông Lê Văn Phúc cho rằng, khi áp dụng công thức tổng mức cho thấy các cơ sở KCB chi không hợp lý nên không thể thanh toán theo quy định. Cụ thể, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định tổng mức thanh toán KCB BHYT là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí.
Các chi phí gia tăng bất hợp lý, dẫn đến vượt tổng mức thanh toán theo quy định của Nghị định số 146 không được quỹ BHYT thanh toán là để đảm bảo sử dụng hiệu suất quỹ BHYT, đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT. Theo ông Phúc, trong điều kiện nước ta hiện nay, khi nguồn quỹ BHYT được hình thành từ sự đóng góp của doanh nghiệp, ngân sách, người dân và là nguồn quỹ có hạn nên cần sử dụng hiệu quả.
Tăng giá dịch vụ y tế theo hướng “tính đúng, tính đủ”
Về điều chỉnh giá dịch vụ Y tế, ông Phúc thông tin, hiện Bộ Y tế đang tính toán việc điều chỉnh giá, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác đinh lại định mức này. Trên cơ sở định mức đó sẽ xây dựng các yếu tố chi phí cấu thành.
Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, Ban điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, song trước mắt chưa tăng giá viện phí trong năm 2022.
“Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ như sắp tới đây, thì rõ ràng sẽ có tác động lên quỹ BHYT, tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là cần thiết. Và việc chi trả thế nào, mức bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn cụ thể. Quan điểm là ngân sách nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, mà hỗ trợ thông qua mua BHYT”, ông Phúc nói.
Việc hỗ trợ có thể là tăng mệnh giá BHYT lên để người dân được hưởng lợi, hoặc tăng tỷ lệ chi trả quỹ BHYT cho một số nhóm đối tượng, thay vì 80% thì chi trả lên 90%. “Vấn đề làm sao khi tăng giá dịch vụ y tế nhưng không tăng gánh nặng thêm cho người dân, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, tạo cơ chế để thực hiện tự chủ bệnh viện tốt hơn”, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế, trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu thể hiện rõ hơn đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo….
Từ đó đại biểu nhấn mạnh, “thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá”.
Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. “Giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất”, bà Hương kiến nghị.
Đồng thuận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng cho rằng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.