Đảm bảo cung ứng hàng hóa và tuân thủ phòng dịch tại điểm bán hàng
Tại TP. Hồ Chí Minh, từ chiều ngày 12/7, nhiều người dân Thành phố do lo ngại dịch bệnh xảy ra mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận nên đã đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống. Tại các cửa hàng nhỏ thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh, Vinmart nhiều thời điểm hết rau, củ, quả. Tuy nhiên, với nguồn hàng dự trữ sẵn có, các siêu thị liên tục bổ sung nguồn hàng lên kệ.
Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh tại các TP.HCM và các tỉnh phía Nam cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết |
Từ ngày 12/7, Thành phố thí điểm cho hoạt động một số gian hàng bán rau, củ, quả tại 03 chợ đầu mối nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.
Tại TP. Cần Thơ, vào tối ngày 11/7, người dân đổ xô mua thịt lợn, tuy nhiên trong ngày 12/7 và sáng 13/7, người dân không còn đổ xô đi mua nhiều rau, củ, quả, trứng, thịt, cá. Lượng người đến siêu thị giảm mạnh, hàng trong siêu thị đầy đủ hàng thực phẩm.
Tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu có thông tin thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg từ tối 12/7, nhưng sáng 13/7, chưa có hiện tượng người dân đi mua nhiều hàng hoá, thực phẩm dự trữ.
Tại tỉnh Đồng Nai, sáng ngày 13/7, tại Coop mart, Mega mart, Lotte, Big C nguồn hàng hóa là lương thực, thực phẩm dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân. Riêng đối với mặt hàng trứng gia cầm rất hút người mua, hiện tạị các siêu thị, trung tâm thương mại đã tăng số lượng gấp hai, ba lần nhưng cứ lên kệ là hết ngay lập tức.
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố ghi nhận, hầu hết các điểm bán lương lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại đều thực hiện nghiêm túc quy tắc phòng chống dịch Covid-19, tuân thủ 5K. Mỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ phục vụ 10 khách hàng/đợt; đối với mặt hàng trứng vịt, gà, siêu thị giới hạn 2 vỉ/ngày/khách hàng, để tránh tình trạng mua gom, tích trữ hàng hóa.
Trong ngày 13/7, hệ thống siêu thị Mega market đã cam kết không để thiếu nguồn hàng dự trữ đối với mặt hàng thực phẩm, nhất là mặt hàng trứng gia cầm để cung ứng cho người dân.
Giá các loại lương thực, thực phẩm ổn định. Không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.
Tại các tỉnh, thành phố, lân cận, do tâm lý lo sợ dịch bệnh người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống lượng mua cũng tăng nhưng hàng hoá dồi dào. Giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng nhẹ, tuy nhiên cũng có vài địa phương như Ninh Thuận, Bình Phước tăng từ 5% - 30%.
Quản lý thị trường chủ động trong cuộc chiến phòng, chống dịch
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng khác để phòng, chống dịch. Theo đó, hiện nay, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và địa phương lân cận đều thực hiện giãn cách xã hội và công bố số điện thoại của Đội trưởng Đội QLTT quản lý địa bàn để người dân báo thông tin về tình hình thị trường, phản ánh các thông tin vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Trong ngày, các Đội QLTT ra quân phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền cho các đối tượng kinh doanh chấp hành các quy định về chống đầu cơ, tăng giá quá mức đối với thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại.
Điển hình, tại Cục QLTT Đồng Nai, từ ngày 8/7 đến ngày 12/7, Cục đã kiểm tra, xử lý 12 vụ việc vi phạm, phạt hành chính 9 triệu đồng một cơ sở về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán.
Trong ngày 12/7, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Long An đã phối hợp với lực lượng chức năng lập biên bản 1 cơ sở kinh doanh tụ tập đông người, xử phạt 10 triệu đông.
Ngoài ra, để công tác phòng, chống dịch bệnh được thực thi hiệu quả, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Tiền Giang, Phú Yên, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang… đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; cũng như ký cam kết niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục yêu cầu lực lượng QLTT cả nước chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.
Đặc biệt, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.