Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường

10/12/2015 00:00

(TN&MT) - Chiều ngày 10/12, tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị toàn quốc về tăng cường quản lý đất đai có nguồn...

 

(TN&MT) - Triển khai nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa 13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, chiều ngày 10/12, tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị toàn quốc về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương: Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị cho biết, tính từ năm 1986, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh được phân bố khắp cả nước với 870 nông, lâm trường quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó có 457 nông trường quốc doanh quản lý khoảng 1,2 triệu ha, 413 lâm trường quản lý 6,3 triệu ha; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý  92 nông trường, Tổng cục Cao su quản lý 124 nông trường, Bộ Quốc phòng quản lý 12 nông trường; Bộ Lâm nghiệp quản lý 76 lâm trường; các địa phương quản lý 229 nông trường và 337 lâm trường.

Trong quá trình phát triển, việc giao đất cho các nông, lâm trường hoặc các nông, lâm trường bàn giao đất về cho địa phương diễn ra thường xuyên nên quy mô diện tích đất của các nông, lâm trường luôn thay đổi qua các thời kỳ. Chỉ tính từ năm 1986, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh được phân bố khắp cả nước với 870 nông, lâm trường quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước; trong đó có 457 nông trường quốc doanh quản lý khoảng 1,2 triệu ha, 413 lâm trường quản lý 6,3 triệu ha; Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý  92 nông trường, Tổng cục Cao su quản lý 124 nông trường, Bộ Quốc phòng quản lý 12 nông trường; Bộ Lâm nghiệp quản lý 76 lâm trường; các địa phương quản lý 229 nông trường và 337 lâm trường. Sau nhiều lần sắp xếp, kiểm kê đất đai đến tháng 09 năm 2015, tổng diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh là 8.879.479 ha. Trong đó, đã bàn giao về cho các địa phương quản lý từ 2005 đến nay là 963.480 ha; đất nông, lâm nghiệp còn quản lý, sử dụng là 7.915.999 ha; Trong đó, 7.403.251 ha sử dụng để tự tổ chức sản xuất; 42.510 ha sử dụng để liên doanh, liên kết; 508 ha sử dụng để góp vốn sản xuất, kinh doanh; 14.629 ha đang cho thuê, cho mượn chưa được thu hồi; 404.616 ha sử dụng vào mục đích khác hoặc chưa sử dụng; 50.485 ha đang bị tranh chấp, lấn chiếm.

Công tác thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất và xử lý kết quả thanh tra tại 123 nông, lâm trường và các công ty  chuyển đổi từ các nông, lâm trường tại 53 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương từ 2012 đến nay cho thấy tình trạng quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ, tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật về đất đai còn khá phổ biến, dưới các hình thức điển hình sau: quản lý đất đai thiếu hồ sơ, bản đồ, không nắm chắc được thực trạng quỹ đất; cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, chuyển mục đích trái pháp luật; giao khoán không đúng quy định; lấn chiếm đất; không thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết dứt điểm.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Việc thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với đất do các nông, lâm trường giữ lại để tiếp tục quản lý, sử dụng: Các nông, lâm trường trước đây được giao đất theo hình thức không thu tiền sử dụng đất; trong đó 7.599.580 ha, bằng 96% diện tích thực tế đang quản lý, sử dụng đã được thể hiện trong các quyết định giao đất. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phải thực hiện chuyển đổi sang hình thức thuê đất; tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa thực hiện.

Hiện nay đã có 447 doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp nông, lâm nghiệp được đo vẽ bản đồ, với tổng diện tích 5.942.000 ha, chiếm 75,1% diện tích đang quản lý; trong đó: 62 tổ chức có bản đồ giải thửa với diện tích 558.949 ha; 385 tổ chức có bản đồ địa chính với diện tích 5.344.631 ha. Tuy nhiên, các loại bản đồ sau khi đo vẽ không được chỉnh lý thường xuyên nên không phản ánh đúng hiện trạng đất đai.

Trong năm 2015 và Quý I năm 2016 cả nước sẽ hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, làm cơ sở để xác định phương án sử dụng đất, triển khai lập thiết kế kỹ thuật - dự toán và thực hiện các dự án xác định, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. Đến hết Quý III năm 2016 phải hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118. Đến hết năm 2016 phải hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyền từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp.  

Trong giai đoạn 2016 - 2020 phải hoàn thành việc cắm mốc giới, lập hồ sơ ranh giới đối với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các đơn vị sự nghiệp có tên gọi khác được giao quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi hình thức giao đất, thuê đất, xác định giá đất và nghĩa vụ tài chính theo quy định cho từng đối tượng sử dụng đất; hoàn thành việc xử lý đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao cho các địa phương; thực hiện xong việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời phóng vấn báo chí bên lề hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời phóng vấn báo chí bên lề hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị các bộ, ngành có liên quan như: Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ… triển khai thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất; thực hiện thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118. Cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai, đảm bảo dành tối thiểu 10% các khoản thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó cần ưu tiên thực hiện đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Tiếp nhận và có phương án công khai minh bạch trong sử dụng quỹ đất được các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức quản lý đất nông lâm nghiệp chuyển cho địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp. Có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình và cá nhân nghèo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương./.

Bài & ảnh: Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO