Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy

Tuyết Chinh| 09/12/2020 14:58

(TN&MT) - Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này.

Thực hiện Phiên họp thứ 51, sáng 9/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 102 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 26 lượt ý kiến, 3 ý kiến tranh luận và 3 ý kiến bằng văn bản. 

Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cũng như Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có nội dung liên quan đến đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy đó là các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy... Kế thừa Luật hiện hành, để bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng, chống ma túy (không chỉ tội phạm ma túy) và để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, vào thời điểm ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chỉ có ngành công an có cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy nên có quy định cơ quan chuyên trách. Từ năm 2004, Chính phủ đã tăng cường công tác phòng, chống ma túy thành lập thêm lực lượng chuyên trách để ngăn chặn, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã thể hiện cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy gồm Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và Hải quan.

Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan hữu quan thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung; trong đó, có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực, địa bàn quản lý kiểm soát đã được quy định trong các luật chuyên ngành như: Luật Cảnh sát Biển, Luật Biên phòng. Những hoạt động mà cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân được tiến hành cũng đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Bưu chính…

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội dự kiến chỉnh lý theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

Cơ quan phát hiện tội phạm trước có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết

Thảo luận về các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với nguyên tắc kế thừa của Luật Phòng chống ma túy hiện hành là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan khác trong phòng chống tội phạm ma túy.

Tuy vậy, ông Tùng cho rằng, không nên quy định cụ thể về các hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân. Bởi lẽ, quy định như vậy vừa lặp lại, vừa thiếu mà không mang tính toàn diện so với các quy định có liên quan ở trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Giám định tư pháp và một số luật khác liên quan đến hoạt động của cơ quan điều tra, tố tụng…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Mặt khác, ông Tùng nêu ý kiến, tại Điều 10 nên có sự rà soát thêm để làm rõ Khoản 2 và 3 về trách nhiệm và thẩm quyền của các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy. Điều này để tránh sự chồng lấn về trách nhiệm và thẩm quyền giữa cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân với các cơ quan chuyên trách về phòng chống tội phạm ma túy thuộc các lực lượng khác như: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan.

“Cần quy định rõ thêm về trường hợp các cơ quan đều có thẩm quyền xử lý tội phạm ma túy thì cơ quan nào phát hiện tội phạm trước thì cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết. Như vậy, sẽ đảm bảo về nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm, tội phạm ma túy”, ông Tùng nêu quan điểm.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, đa số đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: quản lý, thủ tục lập hồ sơ xét duyệt đưa người từ 12 đến 18 tuổi khi nghiện ma túy mà đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm và thẩm quyền của các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy với hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO