Tăng cường năng lực tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam

Linh Chi| 10/06/2021 22:21

(TN&MT) - Tổng cục Môi trường vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến Tổng kết Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam" (Dự án ABS). Sau hơn 4 năm triển khai (2016-2021) dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Dự án ABS do Tổng cục Môi trường chủ trì đặt ra mục tiêu sau khi dự án kết thúc sẽ xây dựng được khung pháp lý và thể chế quốc gia về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; các biện pháp hành chính nhằm thực hiện khung thể chế; quan hệ đối tác Công - Tư - Cộng đồng; tăng cường năng lực và nhận thức của các bên liên quan về khung thể chế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích quốc gia.  

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án ABS, sau hơn 4 năm thực hiện, hành lang pháp lý để quản lý vấn đề ABS được hình thành và tổ chức triển khai. Bên cạnh đó, dự án đã tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tiếp cận và chia sẻ lợi ích nguồn gen với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp và bên tiếp cận nguồn gen; thiết lập và tăng cường hệ thống cấp phép tiếp cận nguồn gen; thực hiện thí điểm thành công mô hình tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Những kết quả của dự án đã góp phần tích cực trong thực hiện Nghị định thư Nagoya về ABS ở Việt Nam và được chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Cho đến nay, dự án đã hỗ trợ ban hành 1 Nghị định và 3 Thông tư liên quan đến quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc xác định cơ quan có thẩm quyền quốc gia, cơ quan đầu mối quốc gia; thiết lập cơ chế cho việc đăng ký tiếp cận nguồn gen việc chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, đặc biệt có việc tái đầu tư nguồn thu từ các hoạt động ABS vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam; thiết lập trang thông tin điện tử chia sẻ thông tin về ABS tại Việt Nam với địa chỉ www.vietnamabs.gov.vn.

Dự án triển khai từ tháng 10/2016 – tháng 5/2021

Dự án đã thiết lập mạng lưới các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích với gần 200 thành viên. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền quốc gia và các tổ chức có liên quan khác được thường xuyên cập nhật các thông tin về ABS của Việt Nam và quốc tế; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện ABS.

Cùng với đó hỗ trợ tăng cường năng lực về quản lý ABS cho các cơ quan có thẩm quyền quốc gia (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) và các bên liên quan khác (Bộ KHCN); hỗ trợ hoàn thiện quy định pháp luật về cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, giấy phép tiếp cận nguồn gen không vì mục đích thương mại, cho phép mang nguồn gen ra nước ngoài; tập huấn thực hiện quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho hơn 300 lượt đại biểu trong số đó 155 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương và hơn 200 lượt đại biểu đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học.

Đáng chú ý dự án đã triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại tỉnh Lào Cai. Thông qua đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới; tư liệu hóa tri thức truyền thống tại Lào Cai, xây dựng hương ước cộng đồng và triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn gen, tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân địa phương cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu cho các thỏa thuận ABS. Đến nay 100 bài thuốc nam của các nghệ nhân và cộng đồng trên địa bàn xã Tả Phìn được tư liệu hóa; 1 sản phẩm thuốc xoa b​óp giảm đau được nghiên cứu, phát triển; 1 cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai đã được xây dựng và duy trì vận hành…

Các chuyên gia về môi trường đánh giá, dự án sau khi kết thúc sẽ tạo ra môi trường pháp lý phù hợp để phát triển thị trường về nguồn gen và đảm bảo quyền và lợi ích công bằng và hợp lý của các bên khi tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam. Nâng cao nhận thức của các cộng đồng dân cư và các cơ quan liên quan tại Việt Nam về các giá trị tài nguyên di truyền và các bước mà họ có thể làm để bảo tồn và sử dụng tài nguyên di truyền một cách bền vững; giúp ngăn chặn sự tuyệt chủng và cải thiện tình trạng bảo tồn các loài, nguồn gen bị đe dọa; bảo vệ sự đa dạng di truyền của các loài có giá trị kinh tế xã hội (là nguồn gốc của vật liệu di truyền các loài đặc hữu); sự tham gia rộng rãi hơn của các cộng đồng bản địa trong việc giữ gìn và phát huy các tri thức truyền thống, giúp bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của các cộng đồng bản địa

- Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 31 tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Nhằm xây dựng năng lực thực hiện Nghị định thư, Bộ TN&MT đã đề xuất huy động nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) để thực hiện Dự án ABS.

  • - 4 hợp phần của dự án: Xây dựng và củng cố hệ thống chính sách, văn bản về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Hỗ trợ thiết lập và củng cố hệ thống hành chính trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Tăng cường năng lực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Triển khai mô hình thí điểm hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường năng lực tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO