Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai

26/04/2018 11:06

Thị trường nước uống đóng bình, đóng chai luôn ẩn chứa nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, ngay tại thời điểm này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã “ra quân” thanh, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng làm gì để đưa thị trường này hoạt động theo đúng “quỹ đạo”, bảo đảm an toàn cho người sử dụng? Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.


- Kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trong mùa hè năm nay như thế nào, thưa ông?     

- Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền. Hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đều tiến hành thanh tra, kiểm tra 100% cơ sở. Năm nay, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trước khi bước vào những tháng mùa hè cũng là thời điểm người dân tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nước uống đóng bình và đá viên dùng liền, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất những sản phẩm này cần được ưu tiên hàng đầu.                

nuoc
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn quận Long Biên.


Cách đây 2 tuần, các đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt đầu “ra quân” thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai, đá viên. Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực tham gia quá trình sản xuất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu nước tại nơi sản xuất và mẫu nước lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm.   

- Theo ông, để một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đá viên bảo đảm an toàn thì vấn đề gì là quan trọng nhất?        

- Tất cả điều kiện bảo đảm an toàn cho một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình hay đá viên là cơ sở vật chất phải tuân thủ theo quy trình khép kín, một chiều, hệ thống lọc phải bảo đảm công năng loại bỏ được toàn bộ vi khuẩn và kim loại nặng không cần thiết trong nước.

Ngoài ra, công nhân tham gia vào quy trình sản xuất phải bảo đảm sức khỏe, kiến thức và tuân thủ các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, cơ sở phải luôn luôn vận hành quy trình nguồn nước, quy trình hệ thống lọc tuân thủ dung lượng nhất định theo quy định của nhà sản xuất của thiết bị đó.    

Mặt khác, khi qua hệ thống đóng chai, sang chiết phải là môi trường vô trùng, bảo đảm được trang bị đèn tiệt trùng, công nhân đi vào đó phải đủ bảo hộ an toàn, vệ sinh lao động cần thiết. Sau mỗi lần kết thúc quá trình đóng chai như vậy cần vệ sinh phòng, bật đèn cực tím để khử khuẩn. Nếu tuân thủ đúng quy trình như trên thì sản phẩm sản xuất ra sẽ bảo đảm an toàn.

- Quá trình kiểm tra, ông có những lưu ý gì với cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình. Và cơ quan chức năng phải làm gì để đưa cơ sở sản xuất hoạt động đúng “quỹ đạo”?          

- Năm nay, các đoàn kiểm tra đã “ra quân” được 2 tuần, kiểm tra tại một số cơ sở chưa phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, qua kiểm tra trên thực tế của những năm trước, chúng tôi luôn đưa ra những lưu ý cho cơ sở sản xuất. Có những cơ sở kiểm tra nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng do vệ sinh bình, chai đóng nước không sạch dễ dẫn đến sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn, cùng một cơ sở sản xuất nước uống, nhưng khi xét nghiệm nguồn nước ở những chai đóng nhỏ với dung tích 300ml hoặc 500ml (không tái sử dụng vỏ) thì nước bảo đảm an toàn.   

Tuy nhiên, đối với bình, chai lớn được tái sử dụng lại, tỷ lệ tới 15% thành phần không bảo đảm. Nguyên nhân do việc rửa vòi và nắp bình không sạch. Vì vậy, chúng tôi liên tục tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và cho những công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Tại các buổi tập huấn, chúng tôi đã hướng dẫn họ không chỉ vệ sinh bên ngoài, bên trong của bình, chai đóng nước mà còn chú ý vệ sinh sạch sẽ vòi và nắp bình. Đặc biệt, phải tháo vòi và nắp bình ra để rửa riêng.               

Thậm chí, sau khi rửa xong phải ngâm vòi của bình nước vào nước sát trùng để bảo đảm khử khuẩn. Thêm một lưu ý nữa, tại các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai hay đá viên tuyệt đối không được nuôi động vật: Chó, mèo hoặc chim cảnh. Bởi, qua kiểm tra, chúng tôi còn phát hiện cơ sở nước đóng chai khi xét nghiệm nguồn nước bảo đảm an toàn, nhưng ở một số chai thành phẩm lại bị ô nhiễm do chính chất thải từ lồng chim được treo gần khu vực sản xuất gây ra.

Trong quá trình kiểm tra, cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Sau mỗi lần kiểm tra, chúng tôi sẽ tổ chức những đợt thẩm định đột xuất xem cơ sở đó khắc phục sai phạm đến đâu.

- Vậy, đối với người tiêu dùng, ông có lời khuyên gì khi chọn mua sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình?    

- Khi mua một sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, người tiêu dùng cần kiểm tra về hình thể bên ngoài, vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng… Ngoài ra, trên thân vỏ, người tiêu dùng nên quan sát kỹ tem nhãn có tuân thủ đúng quy định không, nhất là về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng, được cơ quan chức năng cấp công bố đạt chuẩn.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tỏ thái độ kiên quyết, không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm và không có giấy phép đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đó chính là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO