Tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải

Nguyễn Quỳnh| 02/12/2021 09:26

(TN&MT) - Tại Việt Nam, hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, chiếm phần lớn tổng lượng phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải.

Áp dụng tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông đường bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh việc kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải.

Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

Về các  nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, Chính phủ giao nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan. Trong đó, đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải. Đến năm 2022, hoàn thành rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam.

Về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007. Trong đó, cần tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển các phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng, nhiên liệu thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển giao thông công cộng trong các đô thị…

Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thiện kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải và phổ biến thông tin về chất lượng không khí, trong đó có ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải.

Chiếm 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Thí điểm kiểm tra khí tải xe mô tô, xe gắn máy tại TP.HCM

PGS, TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP.HCM. Trong đó, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chiếm 45% tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính. 

Cũng theo ông Bằng, với sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn nói chung, TP.HCM nói riêng sẽ càng nghiêm trọng nếu không có các chính sách, hành động kịp thời và mục tiêu cụ thể nhằm kiểm soát nguồn phát thải của các phương tiện giao thông.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông ngày càng nghiêm trọng, thời gian qua, UBND TP.HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông. Theo đó, TP.HCM đang triển khai thí điểm chương trình kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố…

Đồng thời, TP.HCM đang thực hiện các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tập trung phát triển các loại hình giao thông công cộng. UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu: vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025 và 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2030.

Ngoài ra, trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM sẽ triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, Dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2 tđ/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO