Ngành TN&MT

Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để giải quyết các thách thức môi trường và khí hậu

Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) 24/08/2023 15:52

(TN&;MT) - Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan trong các ngày 23 đến 24 tháng 8 năm 2023, tại Viên Chăn, CHDCND Lào đã diễn ra thành công tốt đẹp, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế nhằm giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường và khí hậu.

1mm.jpg
Đoàn công tác Việt Nam tham dự Hội nghị AMME do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Trưởng đoàn

Theo đó, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan đã thống nhất ưu tiên đẩy mạnh hợp tác khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, chống ô nhiễm rác thải nhựa và phát triển thành phố bền vững.

Các Hội nghị đã thống nhất về nguyên tắc Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu tại kỳ họp thứ 28 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC COP28) để đưa ra xem xét tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Các Hội nghị ghi nhận các sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia về Hành động khí hậu dựa vào cộng đồng ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực, thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của nhiều bên liên quan trong việc thực hiện các hành động khí hậu dựa vào cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN.

2mm.jpg
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 về Môi trường

Hội nghị hoan nghênh việc ký kết Thỏa thuận về thành lập Trung tâm Biến đổi khí hậu ASEAN đặt trụ sở tại Brunei Darussalam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phối hợp khu vực về các sáng kiến biến đổi khí hậu giữa các Quốc gia thành viên với các Chính phủ quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế có liên quan; và đưa ra các khuyến nghị chính sách về giải quyết biến đổi khí hậu cho các Quốc gia thành viên. Hội nghị mong chờ sự đi vào hoạt động của Trung tâm.

Hội nghị bày tỏ sự đánh giá cao việc Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tiếp tục cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy hợp tác và phối hợp về đa dạng sinh học. Hội nghị đã thông qua việc chỉ định Khu bảo tồn động vật hoang dã Phu Khieo - Vườn quốc gia Nam Nao của Thái Lan; và Công viên Quốc gia Phu Kradueng của Thái Lan, lần lượt là Công viên Di sản ASEAN thứ 56 và 57. Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN về quản lý các loài ngoại lai xâm hại do Indonesia khởi xướng nhằm giải quyết một trong những mối đe dọa lớn về mất tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực.

Hội nghị mong muốn tiến hành học tập theo chiều ngang cho các Thành phố bền vững ASEAN ở Indonesia, điều này sẽ tạo nền tảng cho các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển thành phố bền vững, nâng cao kiến thức và hiểu biết về các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Hội nghị đã thông qua danh sách các trường học nhận Giải thưởng Trường học Sinh thái ASEAN lần thứ tư và Giải thưởng Nhà vô địch Sinh thái trẻ ASEAN lần thứ hai. Hội nghị biểu dương những thành tích này và khuyến khích các trường học và cá nhân khác học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất và áp dụng vào thực hành tạo nên một môi trường bền vững hơn.

Hội nghị đã tái khẳng định cam kết thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải đại dương của các quốc gia thành viên. Hội nghị tiếp tục hoan nghênh tiến độ thực hiện các dự án và sáng kiến liên quan đến rác thải biển, bao gồm cả việc tổ chức thành công Hội thảo ASEAN-New Zealand về rác thải nhựa trên biển và Hội nghị ASEAN sắp tới về chống ô nhiễm nhựa do Indonesia đăng cai tổ chức.

Hội nghị đã giới thiệu Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ sáu (SOER6), trong đó cung cấp thông tin về hiện trạng và xu hướng môi trường trong khu vực, đồng thời cung cấp thông tin cho các quyết định quản lý môi trường sẽ góp phần vào các nỗ lực phát triển bền vững của ASEAN.

Hội nghị ghi nhận việc tiếp tục đối thoại giữa ASEAN và các đối tác về môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường xuyên suốt, tại Đối thoại ASEAN-Nhật Bản về Hợp tác Môi trường, Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về Môi trường và Biến đổi khí hậu, Đối thoại cấp cao ASEAN-EU về Môi trường và Biến đổi khí hậu, Đối thoại cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ về Cam kết về Môi trường và Biến đổi khí hậu, và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 về Môi trường, được tổ chức vào ngày 2-3 tháng 8 năm 2023 tại Bogor, Indonesia.

3mm.jpg
Đối thoại Bộ trưởng ASEAN - Nhật Bản về môi trường và biến đổi khí hậu (AJMDEC) & Lễ ra mắt Sáng kiến mới ASEAN - Nhật Bản

Các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3, Đối thoại Bộ trưởng ASEAN -Nhật Bản về Hợp tác Môi trường và Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ về Môi trường và Khí hậu đã đánh giá các hoạt động hiện tại và thảo luận các hoạt động hợp tác chiến lược sắp tới về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, giáo dục môi trường, khoa học và công nghệ môi trường, các thành phố bền vững với môi trường và rác thải nhựa biển, cùng nhiều vấn đề khác.

Hội nghị hoan nghênh việc tiến hành Tuần lễ Môi trường ASEAN-Nhật Bản và khởi động Sáng kiến Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Chương trình Chiến lược về Khí hậu và Môi trường ASEAN (SPACE) nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản.

4mm.jpg
Đoàn công tác Việt Nam tham dự Hội nghị AMME

Phát biểu tại Đối thoại Bộ trưởng ASEAN - Nhật Bản, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch ASOEN Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN luôn được quan tâm, đặc biệt là về môi trường và biến đổi khí hậu. Sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã giúp nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Đồng thời, mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN trong đó có Việt Nam thông qua các hoạt động, dự án cụ thể như thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ chuyên môn, từ đó giúp các nước ASEAN thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để giải quyết các thách thức môi trường và khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO