Tăng cường giám sát để bảo vệ môi trường Thủ đô

24/11/2016 00:00

Ngày 24/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025" do Công an...

 

Ngày 24/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” do Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Tòa Tổng giám mục Hà Nội, Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, để thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến thành hiện thực một cách sớm nhất. Hiện tại, ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp, làng nghề và từ chính người dân đã trở thành vấn đề bức xúc. Tới năm 2025, dân số Hà Nội được dự đoán sẽ là 10 triệu và trở thành siêu đô thị. Mỗi con người là một nguồn thải chất thải mỗi ngày, chưa tính tới trong 10 năm nữa quy mô kinh tế tăng chắc chắn sẽ kéo theo lượng chất thải công nghiệp tăng.

“Hiện, Thành phố có gần 180.000 doanh nghiệp, trong khi mỗi năm Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường được khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp. Nếu kiểm tra hết số doanh nghiệp này phải mất gần 90 năm, đó là điều không ai có thể làm được”, ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích và cho rằng, nếu có giám sát của nhân dân thì có thể thanh tra, kiểm tra đúng, trúng các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong lĩnh vực môi trường.

Theo người đứng đầu Mặt trận, khi nói tới việc bảo vệ môi trường là nói đến sự tự giác của mỗi người. Mỗi một giám đốc doanh nghiệp phải là doanh nhân biết tôn trọng và bảo vệ môi trường. Mỗi gia đình nếu được công nhận gia đình văn hóa cũng phải là gia đình bảo vệ môi trường. Mỗi người dân Thủ đô là một cảm biến xã hội bảo vệ môi trường.

“Thực tiễn chứng minh rằng, công thức để giám sát môi trường cũng như lĩnh vực khác là: Nhân dân phát hiện, đoàn thể giám sát, nhà nước thanh tra”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, các tổ chức đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát của mình. Trên các khu vực có nguy cơ vi phạm môi trường, các tổ chức đoàn thể thành viên phải có sự giám sát việc gây ô nhiễm môi trường và thực hiện thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm. Phải có sự phân cấp, có quy trình giám sát. Người dân giám sát tại nơi mình sinh sống, thông tin đến bộ phận giám sát, tổ chức phụ trách sẽ phân tích, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo thanh tra, kiểm tra để có chế tài xử lý phù hợp.

Từ trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội bàn bạc trên các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm chủ yếu, phân công từng tổ chức thành viên theo dõi riêng một lĩnh vực, bàn bạc một cách có kế hoạch, từng năm.

Người đứng đầu Mặt trận nêu ví dụ, giám sát việc gây ô nhiễm hoặc xả chất thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp thì nên giao cho Liên đoàn Lao động Thành phố và có địa chỉ cụ thể. Công đoàn phải là người góp phần giám sát xả thải, gây ô nhiễm của các doanh nghiệp, bởi “Công đoàn chính là người ở cơ sở, họ hiểu vấn đề này hơn ai hết”.

Còn trong sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, các hợp tác xã, làng nghề thì Hội Nông dân cần đứng ra chủ trì việc giám sát.

Vấn đề chất thải sinh hoạt các gia đình, khu dân cư có thể giao cho Đoàn Thanh niên. Thành đoàn Hà Nội cần vận động các đoàn viên giám sát việc xả thải của hộ dân tại các khu dân cư, giám sát các điểm hình thành, tập kết rác, các nơi thu gom rác của phường, hợp tác xã, từ đó góp phần kiến nghị nơi xử lý rác bảo đảm môi trường.

Đối với việc giám sát ô nhiễm nước ở các khu vực sông, hồ, ô nhiễm do khói, bụi… Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật chính là tổ chức có năng lực nhất bởi đây là tổ chức có nhiều thành viên là các nhà khoa học về các lĩnh vực liên quan…

Cũng như vậy, đối với việc giám sát nước thải bệnh viện, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội nên mời Hội Y học Thành phố phối hợp giám sát hàng chục bệnh viện, mấy trăm trung tâm y tế và bệnh viện vùng trên địa bàn.

Về chế biến vật liệu xây dựng, đặc biệt là khai thác cát dưới lòng sông, có thể giao cho Hội Cựu chiến binh phối hợp cùng với lực lượng Công an.

Và cuối cùng, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố nên đảm nhận giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, các cửa hàng ăn uống.

Đây là những lĩnh vực có nguy cơ xả thải trực tiếp, do đó cần được giao cho các tổ chức thành viên của Mặt trận chủ trì, theo dõi, thực hiện cùng các sở, ngành liên quan. Để tạo được cơ chế, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ Thành phố có trách nhiệm phân vai, sau đó từng sở, đoàn thể bàn bạc nên làm thế nào cho phù hợp trong lĩnh vực mình theo dõi, giám sát.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, Thành phố đang triển khai và dự kiến đầu tháng 12/2016 có 10 trạm quan trắc tự động, hằng ngày sẽ thông báo tất cả tình hình ô nhiễm không khí cho người dân biết. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ lắp 40-50 trạm quan trắc nước tại các ao hồ.

Về giải pháp làm sạch không khí, Thành phố đưa ra chương trình phát triển trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10 m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độ C. Hiện Hà Nội đã trồng được gần 150.000 cây xanh.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ được đốt 100%. Thành phố đang nỗ lực chuẩn bị để đến đầu tháng 1/2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm, phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác. Bên cạnh đó, Thành phố xây dựng lại quy hoạch toàn bộ nước sạch theo tiêu chí nước sạch người dân uống được tại vòi. Hiện việc này đang thí điểm tại huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ và Sóc Sơn.

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát để bảo vệ môi trường Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO