Ô nhiễm đe dọa nguồn cung cấp nước sạch
Mặc dù đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng thực tế nguồn nước sông Đồng Nai vẫn bị ô nhiễm, trong đó có ô nhiễm nghiêm trọng cục bộ ở một số khu vực tại những đoạn sông hoặc nhánh sông có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc dân cư đông.
Theo PGS – TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC): Ước tính mỗi ngày, các khu đô thị, doanh nghiệp dọc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thải ra khoảng gần 5 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp với tổng lượng BOD 600.000kg, 1,1 triệu kg COD, 200.000kg Nitơ, 760.000kg SS… Vì vậy, chất lượng nước sông Đồng Nai vào nhiều thời điểm đã không đạt tiêu chuẩn là nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt; đặc biệt nước sông Thị Vải không đạt quy chuẩn nguồn nước nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống thủy lợi tưới tiêu, xây dựng các hồ chứa tại lưu vực đang dẫn đến các nguy cơ xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; gây nên tình trạng suy thoái đất, nước, đa dạng sinh học trên hệ thống sông, hồ.
Theo kết quả quan trắc mới nhất của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Đồng Nai, đoạn sông từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai là khu vực chảy qua đô thị thành phố Biên Hoà, là nơi tiếp nhận nhiều nguồn xả từ các nhà máy, khu công nghiệp, chất lượng môi trường nước mặt đoạn sông này bị ô nhiễm nặng.
Nhiều vị trí, đặc biệt là đoạn từ làng cá bè và khu vực cống xả của Nhà máy Giấy Tân Mai và nơi tiếp nhận nguồn thải của khu công nghiệp Biên Hòa 1, chất lượng môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt các thông số đều vượt quy chuẩn, trong đó nặng nhất là hàm lượng sắt, chất hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể các chất Fe, DO (lượng ôxy hoà tan), COD (lượng ôxy cần thiết cho quá trình ôxy hoá chất hữu cơ), N-NH4 (lượng ni tơ – amôni), P-PO4 (hàm lượng photpho) và các loại vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Coliform đều vượt chuẩn quy định. Đặc biệt, đoạn sông khu vực đô thị Biên Hòa lại là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 10 triệu dân TP.HCM và TP. Biên Hòa. Đây chính là nơi tiếp nhận nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Tân Hiệp và Nhà máy Nước Bình An.
Theo Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, nguyên nhân chất lượng nước sông Đồng Nai chưa có nhiều cải thiện là nguồn nước sạch phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp không đồng đều giữa các tỉnh thành; nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị chưa được thu gom xử lý triệt để; tồn tại lượng lớn nước thải sản xuất chưa qua xử lý thải thẳng ra sông; chất thải rắn sinh hoạt, y tế, công nghiệp chưa được thu gom, xử lý và số nhiều vẫn bị vứt ra sông; tình trạng đã và đang khai thác khoáng sản phía thượng nguồn có chiều hướng tác động rất xấu đến chất lượng nguồn nước; diện tích rừng giảm mạnh do các địa phương ưu tiên phát triển kinh tế; diện tích rừng ngập mặn ven biển đang suy giảm nghiêm trọng và cuối cùng sự đa dạng sinh học đang suy kiệt.
Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới tất cả đời sống của hàng chục triệu người dân trên lưu vực, đặc biệt là việc cung cấp nước sinh hoạt cho các đô thị lớn. Trong khi đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất; đảm bảo nguồn cấp nước cho thành phố trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đặc biệt sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác nước dưới vào năm 2025. Vì vậy, bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt sông Đồng Nai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của TP.HCM và tất cả các đại phương khác trên lưu vực.
Cần nhiều giải pháp tổng thể
Theo PGS – TS Phùng Chí Sỹ, bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai phải mang tính chủ động, được giải quyết theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên toàn lưu vực, theo từng ngành và kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của các địa phương trên lưu vực.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành phố làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần khẩn trương xây dựng, thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và công đồng dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Các địa phương trên lưu vực cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tiến hành xử lý triệt để những doanh nghiệp cố tình vi phạm, kể cả biện pháp rút giấy phép, đóng cửa hoạt động. Đồng thời, không cấp phép cho những dự án có thể gây ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, cần sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực.
Ngoài ra, các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai Đề án. Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT để có cơ chế phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí chi từ nguồn 1% sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn khác tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực, bảo đảm đúng mục đích, đặc biệt là đối với các tỉnh có vốn ngân sách thấp và phân bổ chưa hợp lý nguồn vốn 1% chi sự nghiệp môi trường; ưu tiên dành ngân sách Nhà nước để các tỉnh, thành phố hoàn thành các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Được biết, Bộ TN&MT đang dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành danh mục những ngành nghề hạn chế đầu tư trên các lưu vực sông. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tìm những giải pháp tháo gỡ về nhân lực, nguồn vốn và cơ chế quản lý.
Nguyễn Thanh