Dân sống trong ô nhiễm
Thời gian qua, người dân địa phương xã Cao Xá của huyện Tân Yên vô cùng bức xúc trước nạn xe tải hạng nặng chạy rầm rập suốt ngày, gây ô nhiễm môi trường ở mỏ đất của Công ty TNHH MTV sản xuất gạch gói Ngọc Lý. Bà con rất phẫn nộ, nhưng không biết kêu ai.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn H nhà sống gần mỏ đất cho biết: Mỗi ngày có hằng trăm lượt xe tải loại 3 – 4 chân về đây “ăn đất”. Xe chạy rầm rập khiến cho con đường này ô nhiễm nặng. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa đường trơn trượt, khiến người dân đi lại nguy hiểm vất vả vô cùng.
Xe chở đất từ mỏ của Công ty Ngọc Lý bán cho nhà máy gạch Cotto MIKADO |
Cùng chung tâm trạng, hầu hết những người dân sinh sống dọc tuyến đường mà có đoàn xe chở đất thuê cho Cty Ngọc Lý khi đi qua đây đều bức xúc cho biết: Họ mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn đoàn xe chở đất này. Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông ở đâu, khi để lực lượng này “lộng hành”. Càng sớm làm nghiêm, càng tốt, càng đảm bảo đời sống an sinh của người dân, chị Vũ Thị G - một người dân sinh sống dọc theo tuyến đường cho hay.
Trong vai một người cần mua đất san lấp, phóng viên gặp một người đang trông coi, quản lý chấm xe tải chạy ra vào mỏ đất, người thanh niên này cho biết: Mỏ đất này toàn là đất mun (Đất gềnh, đất phong hóa, đất gạch) thôi, đất ở đây đang chở bán cho nhà máy gạch Cotto MIKADO ở Hiệp Hòa, Bắc Giang.
“Lá bùa” nào cho xe chạy?
Trao đổi với phóng viên, ông Vi Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Xá cho biết: Vừa rồi mỏ đất của Công ty gạch Ngọc Lý có chở đất về nhà máy gạch đi vào tuyến đường của nhân dân, nhân dân có phản ảnh là xã đã xuống xử lý những chiếc xe này.
Qua điều tra, phóng viên được biết, ngày 11/3/2020, UBND tỉnh Bắc Giang ra văn bản số 435/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Sản xuất gạch ngói Ngọc Lý khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực núi Am, thôn Ngọc Yên Trong, thôn Ngọc Yên Ngoài, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Để thi công san nền dự án đường Vành Đai IV (Hà Nội) địa phận tỉnh và các công trình xây dựng khác trên địa bàn huyện Tân Yên, huyện Việt Yên. Diện tích khu vực khai thác; 3,4ha. Trữ lượng địa chất: 563.242 m3. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác và trữ lượng khai thác; 506.055m3. Công xuất khai thác; 74. 000 m3/năm. Thời gian khai thác trong 7 năm. Điều lạ, không có dòng chữ nào là “cung cấp đất cho nhà máy gạch Cotto Mikado ở xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang". Vậy, tại sao đất nguyên liệu vẫn được chở ồ ạt đi?
Từ những phản ánh về chuyện bất bình thường ở đây, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã theo dõi một số xe tải chở đất từ các điểm mỏ của Cty TNHH sản xuất gạch ngói Ngọc Lý và lộ trình hướng đường đi của những chiếc xe tải này, thì thấy, những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở. Phải chăng, đây là 1 chiêu “lách luật” để bỏ qua các khâu thẩm định cấp mỏ khoáng sản, bỏ qua khâu đấu giá khoáng sản để rồi “trục lợi” bằng chiêu thức đất san lấp!(?)
Việc Nhà máy gạch Cotto Mikado dùng nguồn nguyên liệu không rõ ràng có đúng các quy định của pháp luật hay không (?), Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh.