Tận thu khoáng sản ở đập Bàu Cơm: Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan

Đình Tiệp - Thảo Chi| 27/09/2021 14:26

(TN&MT) - Mặc dù chỉ được phép thi công và tận thu khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm từ tháng 4 đến tháng 8. Thế nhưng, nhà thầu đã ngang nhiên tiến hành đào bới, chở khoáng sản đi bán khi thời gian đã vượt so với quy định gần 2 tháng. Điều đáng nói là UBND xã Nghi Kiều với vai trò chủ đầu tư lại không hề hay biết?.

Một dự án nạo vét đập nhỏ nhưng kéo dài tận… 5 năm trời

Theo các thông số kỹ thuật được đưa ra tại phụ lục các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đập này có quy mô diện tích lưu vực 28,26 km2 với dung tích trữ nước đạt 0,6847 triệu m3, cao trình đỉnh đập +20m, chiều dài thân đập 360m.

Đập Bầu Cơm ở xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc

Vị trí đập Bầu Cơm nằm ở địa bàn xóm 9, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc là hồ chứa nước thuỷ lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho địa phương từ hàng chục năm nay.

Theo hồ sơ của PV thu thập được, vào đầu năm 2020, chính quyền địa phương đã khởi động, xúc tiến việc nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm để mục đích tăng diện tích dữ trữ nước cho công trình thuỷ lợi này.

ĐTM của dự án

Đến ngày 06/3/2020, dựa trên nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm do cơ quan chức năng trình và công văn số 27/UBND ngày 10/2/2020 của UBND xã Nghi Kiều cùng với đề nghị của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 648/QĐ-UBND về việc phê duyệt ĐTM cho công trình này.

Cùng với quyết định 648, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho UBND xã Nghi Kiều làm chủ dự án để thực hiện chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát… đối với quá trình nạo vét đập Bầu Cơm trong thời hạn đến tận năm 2025.

Quyết định phê duyệt giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho dự án nạo vét đập Bầu Cơm

Khối lượng nạo vét theo ĐTM đã được phê duyệt là 183.110,50m3 với công suất 36.622m3/năm. Đơn vị thi công sẽ thực hiện biện pháp nạo vét bùn đất bồi lắng vào mùa kiệt, khi mực nước hồ xuống thấp rồi vận chuyển đến nơi cần tập kết.

Và, cũng theo đề nghị của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 07/8/2020, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 2654/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị cấp quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đập Bầu Cơm cho Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam có địa chỉ tại xóm 4, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc.

Các loại khoáng sản chưa kịp chở đi tại hiện trường

Theo đó, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam được phê duyệt giá trị cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất sét gạch ngói; đất làm vật liệu san lấp và đá ong (laterit) tận thu được trong quá trình nạo vét tại khu vực nói trên với số tiền nộp 01 lần là 1.015.380.000 đồng.

Chủ đầu tư buông lỏng trách nhiệm?

Khi đã có “bảo bối” này trong tay, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam cũng đã triển khai máy móc, phương tiện vào thi công, đào bới qua nhiều tháng tạo thành một “đại công trường” nham nhở. Hàng loạt phương tiện cơ giới tải trọng lớn cũng được huy động vào đây để tận thu khoáng sản chở đi khắp nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Các xe tải trọng lớn vào công trường lấy khoáng sản

Theo quy định, việc nạo vét lòng hồ đập Bầu Cơm kết hợp tận thu khoáng sản chỉ được thực hiện vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm (mùa kiệt) nhưng vừa qua, dù đã quá thời hạn cho phép gần 2 tháng, Công ty cổ phần khoáng sản GD Việt Nam vẫn ngang nhiên cho máy móc, phương tiện vào đào bới thi công. Việc vận chuyển khoáng sản làm nguyên liệu đất san lấp, đá làm phụ gia xi măng…được thực hiện song song với quá trình này.

Vào trưa ngày 19/9/2021, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã chứng kiến Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an huyện Nghi Lộc (Công an tỉnh Nghệ An) bất ngờ kiểm tra, phát hiện hàng chục máy móc, phương tiện đua nhau đào bới, cày xới để múc đất cho hàng loạt xe tải trọng lớn ra, vào chở nguyên liệu khoáng sản đi ra ngoài.

Hàng chục công an đang làm việc với những người liên quan vào ngày 19/9/2021 tại đập Bầu Cơm

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản sự việc và tạm giữ, phương tiện liên quan gồm 04 máy xúc và 11 xe ô tô tải để xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo quan sát của phóng viên, mặc dù mới được UBND tỉnh Nghệ An cho phép tận thu khoáng sản trong quá trình triển khai thi công dự án nạo vét lòng đập Bầu Cơm, nhưng khai trường đã hình thành các hố sâu nham nhở, loang lổ cả một vùng rộng lớn.

Hàng loạt phương tiên, máy móc bị tạm giữ tại hiện trường

“Chủ yếu thấy họ chăm chăm đào đất, đá đem chở đi đâu chứ có thấy chuyên tâm “nạo vét” lòng hồ đập gì đâu. Nhìn vào lòng đập thấy nham nhở hố to, hố nhỏ, hố sâu hoắm, bát nháo cả lên” – Một người dân địa phương nói.

Sáng 27/9, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều, xác nhận, đập Bầu Cơm là đập do địa phương quản lý, UBND xã được giao làm chủ dự án nói. Cũng theo ông Kiên, nhà thầu làm các thủ tục và nộp tiền cấp quyền tận thu khoáng sản cho nhà nước để trang trại chi phí thi công chứ chủ đầu tư không phải bỏ tiền để thực hiện việc này.

Cảnh tượng nham nhở tại công trường thi công nạo vét đập Bầu Cơm

Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, địa phương phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 nên các công trình thời gian đó cũng phải dừng thi công, vì thế nên tiến độ thi công bị gián đoạn. Địa phương cũng đã yêu cầu đơn vị thi công phải làm tờ trình, văn bản để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tiếp tục triển khai nhưng chưa được sự đồng ý thì doanh nghiệp đã tự ý thực hiện.

Khi được hỏi khi nhà thầu thi công, tận thu vào những ngày quá thời hạn quy định chủ đầu tư liệu có biết không? “Hôm các anh công an ra kiểm tra, bắt giữ là vào ngày chủ nhật. Những ngày trước trực Covid-19 lâu ngày rồi nên ngày nghỉ cho cán bộ nghỉ ngơi nên không biết sự việc”?

Trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND xã Nghi Kiều và các cá nhân, tổ chức liên quan cần phải được làm rõ để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật

Tuy nhiên, theo điều tra và thông tin của phóng viên thì tình trạng đơn vị thi công đào bới, tận thu khoáng sản tại đập Bầu Cơm không chỉ diễn ra vào ngày 19/9 mà đã triển khai trước đó nhiều ngày. Lượng xe ra, vào để chở khoáng sản đi bán nườm nượp giữa thanh thiên bạch nhật không ai là không biết?

Liên quan đến vụ việc Phòng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Nghi Lộc kiểm tra, tạm giữ nhiều phương tiện, máy móc đang thi công, tận thu khoáng sản tại đập Bầu Cơm vào ngày 19/9/2021. Một cán bộ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đến ngày hôm nay (27/9/2021) vụ việc đang còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, liên quan nhiều nội dung nên đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận thu khoáng sản ở đập Bàu Cơm: Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO