(TN&MT) - Thời gian gần đây, lâm tặc đã ồ ạt kéo vào khu vực rừng giáp ranh Gia Lai, thuộc địa phận xã Cư Klông (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) để xẻ rừng và mở đường vào khai thác lâm sản trái phép. Trong khi đó, diện tích rừng này đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ.
Nhiều cây gỗ lớn và có giá trị bị chặt hạ |
Rừng mất quá nhiều
Sáng 11/11, chúng tôi đến xã Cư Klông để thâm nhập vào tiểu khu 306 - khu vực đang là “điểm nóng” về tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Vật lộn với con “ngựa sắt” gần 10km đường đèo, dốc quanh co, chúng tôi đến khu vực trại bò Ma Thiên (ở thôn Cư Klông). Do khu vực rừng bị phá nằm khuất sau những dãy núi cao, cây cối rậm rạp nên chúng tôi buộc phải gửi xe máy lại và nhờ một nhóm người địa phương đi bộ dẫn đường.
Các cây gỗ bị hạ từ lâu, phần thân bị đen hoặc mục nát |
Từ trại bò Ma Thiên rẽ về hướng phải, leo lên quả đồi có độ dốc hơn 50o, chúng tôi bắt đầu tiến vào rừng và chẳng mấy chốc đã thấy nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ. Tiếp tục men theo con đường nhỏ mà lâm tặc mới xẻ rừng làm đường vận chuyển gỗ, số lượng các cây lớn đã bị chặt hạ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vào sâu trong rừng, một đại công trường với hàng chục cây gỗ lớn bị chặt hạ, cưa xẻ thành các lóng tròn, phách vuông… hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhiều cây gỗ bị hạ từ lâu, lâm tặc đã xẻ thành các lóng gỗ nhưng chưa vận chuyển ra ngoài đã bị rêu phủ xanh, phần thân gỗ bị đen hoặc mục nát; hàng chục cây gỗ mới bị chặt hạ, nhựa ứa quanh gốc, thân còn tươi, xanh và bị “xẻ thịt” tại gốc, đã và đang được vận chuyển ra ngoài.
Trên đường đi, ở những đoạn dốc, lâm tặc còn “cẩn thận” cưa các thân cây nhỏ để tạo “con lăn”, giảm sức kéo cho trâu hoặc máy nổ trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, có những cây gỗ lớn đang đứng sừng sững bị cưa một vết sâu vào phần thân kiểu “đánh dấu”. Theo một người dẫn đường, khu rừng này hiện có khoảng 5 - 7 nhóm lâm tặc (mỗi nhóm 5 - 10 người) đang hoạt động nên có rất nhiều con đường để ra - vào rừng. Để ký hiệu lãnh địa của mình, các nhóm lâm tặc sẽ sử dụng các vết cưa trên thân cây. Bên cạnh đó, các cây bị “đánh dấu” một thời gian sau sẽ chết, lúc đó lâm tặc sẽ tranh thủ cưa hạ vì thân gỗ đã khô, dễ cưa và ít tốn nhiên liệu hơn.
Lâm tặc xẻ gỗ ngay tại gốc cây |
Dừng chân tại một gốc một cây gáo vàng khá lớn (đường kính trên 1m), người dẫn đường khẳng định cây này mới bị hạ khoảng 1 - 2 ngày. Sau khi chặt hạ, lâm tặc cưa thân cây thành các lóng rồi tiến hành xẻ phần gỗ bìa, tạo thành các khối gỗ hộp vuông vắn rồi mới đưa ra ngoài. Do mới khai thác, lâm tặc chưa kịp lấy đi hết nên để lại 1 khối gỗ hộp (dài khoảng 4m, cạnh vuông trên 0,3m). Ngoài cây lớn này, xung quanh còn có 3 cây khác cũng mới bị cưa hạ, thân cành ngổn ngang và đang nằm chờ lâm tặc “xẻ thịt”.
Sau hơn 3 tiếng “lội bộ” trong rừng, chúng tôi ước tính có cả trăm cây gỗ lớn và có giá trị như gáo vàng, bình linh, giỗi… bị lâm tặc chặt hạ. Ra đến bìa rừng, chúng tôi phát hiện có một con đường mòn có dấu vết của việc kéo gỗ. Men theo con đường này, chúng tôi đến một số nhà dân ở thôn Cư Klông có gỗ phách vuông vắn được tập kết ở trước sân. Trong vai những người đi buôn gỗ, chúng tôi được chủ nhà cho biết giá bán của các loại gỗ như: bình linh (18 triệu đồng/1m3), giỗi (17 triệu đồng/1m3), gáo vàng (13 triệu đồng/1m3)…
Theo tìm hiểu của PV, lâm tặc thường sử dụng con đường qua xã Đliêya (huyện Krông Năng) để vận chuyển gỗ đến nơi tiêu thụ. Việc đưa những khối gỗ lớn ra ngoài không hề đơn giản vì có sự kiểm soát của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Những người dẫn đường chính quyền địa phương đã làm ngơ, thậm chí “tiếp tay” cho lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Bên cạnh đó, họ cũng khẳng định nhiều lần chứng kiến các cán bộ đứng chặn ở cửa rừng và đường vận chuyển, “thu phí” hàng trăm ngàn đồng/1 xe chở gỗ (tùy loại).
Để giảm sức kéo, lâm tặc còn “cẩn thận” sử dụng các cây nhỏ làm con lăn trên đường |
Chủ rừng không hay?
Theo UBND xã Cư Klông, xã hiện đang quản lý, bảo vệ 6 tiểu khu đất lâm nghiệp có rừng trên địa bàn. Trong đó, tiểu khu 306 có diện tích khoảng 590ha nhưng chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất có rừng chỉ chiếm 40 - 50ha, theo đánh giá là “rừng nghèo” (trữ lượng dưới 50m3/1ha rừng) và tiếp giáp với rừng của tỉnh Gia Lai. Mặc dù trên đường đi vào rừng, nhóm người dẫn đường khẳng định diện tích rừng bị phá ở tiểu khu 306 nhưng Chủ tịch UBND xã Cư Klông lại cho rằng đó là rừng của tỉnh Gia Lai. Sau khi khai thác xong, lâm tặc mới đưa gỗ ngược về Đắk Lắk để tiêu thụ.
Lâm tặc cưa vào thân để đánh dấu lãnh địa khai thác |
Về việc gỗ được tập kết tại nhà các hộ dân và mua bán công khai, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Cư Klông thừa nhận: “Trên địa bàn xã, hiện vẫn có nhiều người dân vẫn vào rừng khai thác và vận chuyển gỗ về tập kết tại nhà nhưng với mục đích để làm nhà chứ chúng tôi chưa nắm bắt được việc họ mua bán. Hơn nữa, khi gỗ được đưa về nhà dân, xã cũng không có quyền kiểm tra nguồn gốc gỗ mà phải báo cáo lên cấp trên, cụ thể là Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi chưa báo cáo vấn đề này vì Hạt Kiểm lâm mới có sự thay đổi nhân sự, lãnh đạo mới về chưa nắm rõ được địa bàn”. Về việc “thu phí” xe vận chuyển gỗ, ông Thắng cho rằng: “có thể xảy ra tiêu cực của một số cán bộ trong quá trình thi hành nhiệm vụ” nên “hễ khi xã bí mật tuần tra, phục kích là lâm tặc đều biết và dừng ngay hoạt động”.
Gỗ được tập kết tại trước sân một nhà dân |
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, đơn vị hiện chưa nắm được thông tin về sự việc này. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin, Hạt sẽ báo cáo lên UBND huyện, đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh. Về trách nhiệm của nếu để mất rừng, lãnh đạo này cho hay: “Nếu rừng tại tiểu khu 306 bị phá thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về đơn vị chủ rừng, tức là UBND xã Cư Klông. Họ có đủ lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng nhưng lại không chủ động nắm bắt tình hình và thông tin lên cấp trên để phối hợp kiểm tra, quản lý. Không thể lấy lý do Hạt Kiểm lâm mới thay lãnh đạo rồi không báo cáo, dẫn đến việc mất rừng rồi đổ hết trách nhiệm lên đầu lực lượng kiểm lâm”.
Bài & ảnh: Lê Phước