Tản mạn cuối năm tại thủ phủ nuôi ngựa bạch lớn bậc nhất đất Bắc

Phạm Văn - Hiếu Thiện| 26/01/2021 14:22

(TN&MT) - Làng Phẩm (xã Dương Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nổi tiếng trong giới chơi ngựa bạch không chỉ bởi những tay chơi nhiều kinh nghiệm, sành nghề mà còn bởi nghề này đã giúp nhiều hộ dân trong làng trở thành tỷ phú.

Đối với người dân làng Phẩm, ngựa bạch không đơn thuần chỉ là một hàng hóa mà nó còn gắn bó với văn hóa, với những kỉ niệm của vùng trung du này từ mấy mươi năm trước, khi đất nước còn khó khăn. Từ những chú ngựa thồ hàng, kéo xe, cày ruộng … giờ đây, làng Phẩm trở thành một thủ phủ nuôi ngựa bạch lớn bậc nhất đất Bắc.

Về làng Phẩm bây giờ, đâu đâu người ta cũng nhìn thấy ngựa bạch, những trang trại lớn nhỏ và những dòng xe tấp nập của người buôn kẻ bán. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình chăn nuôi ngựa bạch tiêu biểu tại làng Phẩm, anh Dương Văn Toàn, Phó bí thư đoàn thanh niên xã Dương Thành vừa niềm nở cho biết, hiện tại làng có tổng 54 hộ chăn nuôi, số lượng ngựa bạch cố định luôn duy trì trên 100 con, còn cao điểm có thể gấp vài lần.

Không quá khi nói giống ngựa này đã giúp kinh tế địa phương “cất cánh”, “phi nước đại” khi giờ đây những biệt thự, nhà vườn khang trang nằm san sát nhau như phố. Đường làng cũng tấp nập ô tô lớn nhỏ của những hộ dân đi lại buôn bán.

Nghề nuôi ngựa bạch đã giúp nhiều hộ dân nơi đây đổi đời

Anh Dương Văn Toàn cho biết, nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa của xã Dương Thành manh nha từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2011, từ 34 hội viên của Hội chăn nuôi ngựa bạch làng Phẩm, người dân đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch, thu hút hàng chục xã viên tham gia với hàng trăm ngựa thịt và sinh sản.

Tới năm 2014, làng Phẩm chính thức được đón bằng công nhận là Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa. Với lợi nhuận kinh tế cao từ ngựa bạch, rất nhiều hộ gia đình tại làng Phẩm nói riêng và xã Xuân Thành nói chung trở thành tỷ phú.

Hiện làng Phẩm chủ yếu nuôi ngựa thương phẩm và ngựa sinh sản. Anh Dương Văn Trường, chủ một trang trại ngựa chia sẻ: “Nuôi ngựa bạch đòi hỏi nhiều công phu lắm. Chúng tôi lang thang khắp các địa phương để gom ngựa. Ăn ngủ với ngựa, thậm chí thời gian ở bên ngựa còn nhiều hơn ở bên vợ con. Đã vậy giá ngựa bạch rất cao (từ 60-70 triệu đồng/con) nên nếu không biết chăm sóc hay sẩy ra là mất nghiệp. Năm nay dịch bệnh hoành hành nên tất cả đều trầm lắng, cả người và ngựa cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức”.

Theo anh Dương Văn Trường, nghề chăn nuôi và nhân giống ngựa bạch đòi hỏi nhiều công phu, phải để hết tâm trí và tình cảm thì mới mong không bị nghề phụ bạc. Bởi giống ngựa bạch rất đăc biệt, mắt đỏ rực, lông trắng cước, chân có móng sừng, môi trắng hồng … và đặc biệt rất thông minh. Vì thế, nuôi ngựa dễ thì dễ thực nhưng khó cũng vô cùng.

Anh Dương Văn Trường khoe giống ngựa bạch với phóng viên 

“Mô hình chăn nuôi ngựa bạch sinh sản đòi hỏi nhiều công sức hơn của người làm nghề, từ khâu chọn ngựa cái có thân hình dễ mang thai, tới việc lựa chọn con đực để giao phối phải to khỏe, giống tốt. Ngựa cái trong thời gian mang thai sẽ có chế độ chăm sóc đặc biệt. Giống này ăn không quá cầu kỳ khi chỉ cần cỏ mía thái nhỏ trộn lẫn với cám là được. Thế nhưng nếu nước không sạch là chúng không uống, cỏ không sạch là chúng không ăn. Có người nuôi mãi mà ngựa chỉ bệnh tật, ốm đau hoặc có phát triển nhưng mã rất xấu. Trong khi đó, nhiều người đổi đời, trở thành tỷ phú cũng nhờ giống ngựa này” – anh Trường tâm sự.

Làng Phẩm khẳng định danh tiếng trong giới chơi ngựa bạch những thập niên qua không chỉ vì họ quy tụ được nhiều người am tường, hiểu biết về loài động vật này mà ở tinh thần ham học hỏi. Hễ nghe bất cứ ở đâu hình thành trang trại ngựa bạch, có những phương pháp nhân giống, chăn nuôi mới độc đáo, người dân nơi đây đều không quản ngại đường xá xa xôi, thời gian lẫn tiền bạc để tìm tới tận nơi tìm hiểu, học hỏi, giao lưu kinh nghiệm.

Được biết, nhằm bảo tồn nguồn gien ngựa bạch và phát triển loài động vật đặc thù này, những năm vừa qua làng Phẩm đã được tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trại ngựa Bá Vân - cơ sở bảo tồn nguồn gen ngựa quý hiếm (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, bảo tồn nguồn gien ngựa bạch; đầu tư, hỗ trợ làm chuồng trại, đường giao thông, kênh mương tưới nước phục vụ trồng cỏ nuôi ngựa.

Có thể thấy rằng thủ phủ nuôi ngựa bạch lớn bậc nhất đất Bắc này đã tồn tại và khẳng định được vị thế, danh tiếng hàng chục năm qua là nhờ vào những giá trị nội lực vốn có được vun trồng bằng sự chân thành, giữ chữ tín của người làm nghề nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn cuối năm tại thủ phủ nuôi ngựa bạch lớn bậc nhất đất Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO