Theo Báo cáo được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam WWF công bố mới đây, một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học là do nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã. Khi Internet phát triển, các đối tượng buôn bán động vật hoang dã hoạt động nhiều hơn trên không gian mạng. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính qua các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng thường xuyên rao bán các sản phẩm như: Ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ...
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, cho biết, riêng năm 2021 đã ghi nhận khoảng 2.500 vi phạm buôn bán động vật hoang dã trên Internet, tăng khoảng 41% so với năm 2020. Có thể thấy, nạn buôn bán động vật hoang dã trên mạng xã hội đang gia tăng trong những năm gần đây. Bên cạnh những loài như khỉ, nhiều động vật hoang dã khác như rái cá, mèo rừng, các loài bò sát... vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Còn ngay tại 3 tháng đầu năm 2022, ENV đã ghi nhận hơn 800 vụ việc vi phạm về động vật hoang dã, trong đó, chủ yếu là các hoạt động quảng cáo buôn bán động vật hoang dã, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là sự thiếu hiểu biết của người dân. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết, có một số đối tượng coi thường pháp luật.
Những con số thống kê của các cơ quan chức năng hơn 5 thập kỷ trở lại đây khiến chúng ta phải giật mình. Nhu cầu hằng năm về động thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng từ 3.700 - 4.500 tấn, chưa kể đến hàng chục vạn cá thể các loài chim, côn trùng, không thể tính toán thành trọng lượng được. Những vụ việc được phát hiện, những cá nhân bị xử lý, cũng chỉ là phần “nổi của tảng băng chìm” trong thế giới ngầm buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Ở đó, đã có những suy nghĩ lệch lạc, sự tuyệt chủng của một loài nào đó có vẻ như là một mất mát nhỏ, không ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, nhưng thực tế lại không như vậy. Bởi, sự tồn tại của các loài luôn có mối liên kết với nhau, loài người và các loài khác cùng ở trong một hệ thống tổng thể sinh thái, chúng ta càng loại bỏ nhiều bộ phận khỏi một hệ thống, nó càng trở nên sụp đổ nhanh chóng. Tác động xấu từ mất cân bằng sinh thái đã xảy ra và có thể thấy rất rõ ràng, chẳng qua là chúng ta đã phớt lờ hoặc không muốn nhìn thấy điều đó.
Tiêu thụ động vật hoang dã sẽ kích thích nguồn cầu và tăng nguồn cung. Những người tù tội vì săn bắt, vận chuyển và mua bán trái phép vẫn liên tục xảy ra. Cuộc chiến giữa người săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã và lực lượng chức năng vẫn diễn ra khi chúng ta tiếp tục tiêu thụ động vật hoang dã. Cuộc chiến đẩy hai bên rơi vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình truy đuổi và gây nguy hiểm cho cả người dân. Bao cán bộ kiểm lâm bị thương và thậm chí, thiệt mạng hàng năm vì những kẻ săn bắn trộm..
Liệu khi biết được những sự thật này, chúng ta có thay đổi được suy nghĩ bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng là trách nhiệm của chính mình? Những hậu họa nhãn tiền vẫn xảy ra hàng năm, có làm cho chúng ta quyết định nói không với thịt và các sản phẩm từ thú rừng, nói không với “tội ác từ việc lựa chọn ăn uống, tiêu dùng của chính bản thân?
Săn bắt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Buôn bán các sản phẩm từ các loài hoang dã dưới bất kỳ hình thức nào cũng là phạm pháp. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt và chúng cần sự quan tâm, hành động tức thì của mỗi con người.
Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà phải giải quyết nó - Hãy quan tâm và bảo vệ động vật hoang dã trên Trái đất để "Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống".