Anh Lù A Sài, Phó bản Chù Lìn xã Hồ Thầu phát dọn bụi của cánh rừng tham gia chương trình quản lý rừng bền vững |
Được triển khai từ năm 2015, chương trình quản lý rừng bền vững, giảm phát thải khí CO2 được triển khai tại huyện Tam Đường đã lựa chon 6 xã với diện tích trên 3.300 ha tham gia quản lý. Đây là những diện tích rừng được quy hoạch là rừng sản xuất, có trạng thái từ IIA, IIB trở lên, tỷ lệ đất trống bị xâm lấn bởi dây leo, chuối dại không quá 5% tổng diện tích của khu rừng.
Diện tích đất tự nhiên tham gia chương trình quản lý rừng bền vững phải liền vùng, liền khoảnh với quy mô tối thiểu từ 20 ha đối với 1 lô rừng và 100 ha đối với 1 bản. Những diện tích rừng tự nhiên này hiện do UBND xã, huyện quản lý và sẽ giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số để quản lý rừng bền vững.
Bản Chu Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường có 118,2 ha rừng ở trạng thái IIA được lựa chọn tham gia chương trình bảo vệ, quản lý rừng bền vững. Hiện nay, bản đang xây dựng quy ước, hương ước để quy định cho người dân những trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý, bảo vệ rừng. Anh Lù Ngọc Sài, phó bản Chù Lìn cho biết: “Khi được cán bộ ban quản lý rừng về thông báo, lựa chọn diện tích rừng của bản tham gia vào chương trình quản lý rừng bền vững, ngoài được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì mỗi ha sẽ được hỗ trợ thêm từ 300 – 400.000đ khiến cho bà con trong bản đồng thuận lắm. Cả bản đều nhất trí đưa diện tích 118,2ha vào quản lý chặt chẽ, bản đang xây dựng quy ước để thuận lợi cho việc bảo vệ rừng được tốt hơn”.
Cánh rừng bản Chù Lìn tham gia chương trình quản lý rừng bền vững |
Cộng đồng thôn, bản sẽ được tham gia trực tiếp vào quy hoạch sử dụng đất, nhằm đảm bảo quản lý rừng bền vững trên diện tích lớn. Các khu rừng được lựa chọn sẽ trải qua 8 bước thực hiện từ quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và giao rừng; xây dựng quy ước và bảo vệ phát triển rừng; xây dựng ban quản lý rừng cộng đồng thôn bản; đánh giá trạng thái rừng có sự tham gia của người dân; lập kế hoạch quản lý rừng; thiết lập quỹ phát triển rừng; nâng cao trình độ quản lý rừng; tiếp thị và tiêu thụ lâm sản. Cộng đồng thôn bản khi tham gia quản lý rừng bền vững sẽ được hỗ trợ kinh phí trong giai đoạn 6 năm đầu thông qua quỹ phát triển rừng của thôn, bản. Việc được hỗ trợ kinh phí nhiều hay ít đều được xác định qua hiệu quả bảo vệ rừng và được đánh giá, xác định lại trạng thái rừng sau mỗi năm.
Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Người dân khi tham gia chương trình quản lý rừng bền vững sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tham gia tích cực vào công tác bảo vệ và quản lý rừng, từ đó duy trì các hoạt động bảo vệ rừng lâu dài. Đây cũng là sự đảm bảo cho tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái, góp phần nâng cao thích ứng của địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, khi tham gia quản lý rừng bền vững, người dân cũng được cải thiện sinh kế, cải thiện hiệu quả kinh tế của rừng thông qua áp dụng các biện pháp can thiệp lâm sinh”.
Chương trình quản lý rừng bền vững đã và đang mang lại nhiều chỉ dấu tích cực cho việc quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai trên địa bàn huyện Tam Đường cũng gặp một số khó khăn nhất định như việc xác định ranh giới quản lý thực tế của các bản do tập quán xen canh, xen cư của người dân. Công tác rà soát diện tích đất rừng chưa giao cho các nhóm hộ, cộng đồng dân cư còn nhiều vướng mắc.
Để triển khai hiệu quả chương trình, rất cần sự chung tay tháo gỡ khó khăn của các ngành chức năng tỉnh Lai Châu, nhất là công tác phân định ranh giới do lịch sử để lại.
Minh Phương