Tái phát dịch tả lợn Châu Phi người dân Điện Biên khó khăn tái đàn

Trần Sơn| 09/07/2020 14:29

(TN&MT) - Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã tái bùng phát tại 9 xã thuộc 3 huyện Điện Biên, Mường Chà và thành phố ̣Điện Biên Phủ ̣̣tỉnh Điện Biên, giá lợn tăng cao, người dân đã bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến kinh tế nhiều hộ chăn nuôi đã khó nay lại càng khó khăn hơn trong tái đàn.

Tiêu huỷ lợn tại xã Noong Hẹt huyện Điện Biên hôm 3/7.

Đầu tháng 7 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Điện Biên phối hợp với UBND xã Noong Hẹt tiến hành tiêu hủy đàn lợn 10 con với trọng lượng gần 2 tạ của gia đình bà Nguyễn Thị Châm, thôn Tân Biên do dịch tả lợn Châu Phi. Đây là đàn lợn được gia đình tái đàn chăn nuôi trong thời điểm giá lợn giống tăng cao. Trung bình mỗi con lợn giống có giá khoảng 3 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Châm, Thôn Tân Biên, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Nhà tôi nuôi được 1 đàn lợn, tự nhiên thấy nó bỏ ăn rồi 1,2 hôm thấy nó tự chết. Thấy thế gia đình tôi cũng đã báo thú y về để lấy mẫu xét nghiệm thì 3 ngày sau có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu phi. Sau đó cũng mời thú y về để có biện pháp tiêu  hủy và phun thuốc khử trùng tất cả chuồng trại và vật nuôi để không lây lan dịch bệnh.

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến đàn lợn 35 con của gia đình ông Trần Xuân Dụ, đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên buộc phải tiêu hủy, ước thiệt hại gia đình hơn 100 triệu đồng. 4 tháng sau đợt dịch, gia đình ông tiếp tục vay nợ ngân hàng để tái đàn và thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại phòng chống dịch bệnh.

Sau khi xuất chuồng được một lứa lợn khỏe mạnh, gia đình ông tiếp tục tái đàn khoảng 50 con với giá 3 triệu đồng/1 con lợn giống.  Tuy nhiên,  từ tháng 4 đến tháng 6/2020, đàn lợn của gia đình ông bắt đầu có dấu hiệu mắc bệnh và chết do dịch tả lợn châu Phi. Nợ Ngân hàng từ đợt dịch trước chưa trả xong, dịch chồng dịch khiến kinh tế gia đình ông  Dụ càng trở nên khó khăn, lao đao.

Ông Trần Xuân Dụ, Đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Chúng tôi đầu tư để làm được 1 cơ sở chăn nuôi như thế này cũng mất hơn 100 triệu rồi. Dịch bệnh năm ngoái gia đình cũng mất hơn 100 triệu, năm nay cũng ngót ngót 100 nữa thì thực tế là gia đình cực kỳ khó khăn. Vốn vay ngân hàng thì cứ chồng chất nợ chồng nợ. Cơ bản nhất là bây giờ cũng chả biết làm thế nào nữa mà nông thôn chúng tôi chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi mà gia đình tôi từ trước đến giờ cũng chủ yếu là chăn nuôi vì vậy rất là khó khăn.

Huyện Điện Biên Đông đã công bố hết dịch, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa dám tái đàn do lo sợ dịch có thể tái phát.

Năm 2019, huyện Điện Biên Đông phải thực hiện tiêu huỷ 752 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi với tổng trọng lượng là gần 32 tấn. Đến nay, bệnh dịch đã được khống chế và huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn. Nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa dám tái đàn do lo sợ dịch có thể tái phát cùng một số nguyên nhân khác.

Do ảnh hưởng ủa dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông Nguyễn Trọng Dũng ở bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông phải tiêu hủy là 125 con lợn do bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 20 tấn. Là hộ gia đình chăn nuôi quy mô trang trại, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sau khi huyện Điện Biên Đông công bố hết  dịch tả lợn châu Phi và được nhà nước hỗ trợ, gia đình ông đã mua lại lợn giống để nuôi với giá 200.000 đồng/kg. Ông Dũng cho biết, do giá lợn giống quá cao, mặt khác lo sợ dịch có thể tái phát nên gia đình chỉ dám đầu tư nuôi thăm dò, sau khi dịch tả lợn Châu Phi được khống chế hoàn toàn, chăn nuôi ổn định, gia đình mới tiếp tục tăng đàn.

Ông Vũ Văn Hướng, ở tổ 1, thị trần Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Do chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, do đó đàn lợn của gia đình đã không bị thiệt hại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi nên nguồn cung lợn giống từ đầu năm 2020 đến nay rất khan hiếm. Tại thời điểm hiện tại, giá lợn giống mua theo đầu con có giá trung bình là 2 triệu động/1con, trên dưới 10kg và không được lựa chọn.

Theo ông Hướng: Mỗi năm gia đình ông bán ra thị trường khoảng trên dưới 3 tấn lợn thịt, trừ mọi chi phí cũng cho lãi khoảng trên 100 triệu đồng. Những tháng đầu năm nay, mặc dù giá thịt lợn trên địa bàn tăng cao nhưng gia đình vẫn chỉ nuôi cầm chừng vì lo ngại dịch tái phát. Mặt khác, thời điểm này giá lợn giống quá cao, gia đình chưa đủ điều kiện để mua.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, diễn biến phức tạp. Ðến thời điểm này, các nguyên nhân, cơ chế lây nhiễm của bệnh vẫn đang trong quá trình xác định; nhiều ổ dịch mới ở dạng phỏng đoán chưa khẳng định chính xác cách thức lây bệnh, có thể lây nhiễm qua thức ăn thừa, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, qua các loại côn trùng và chim hoang dã.

Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Ðặc biệt, cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, chủ hộ chăn nuôi thực hiện đúng, đủ nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Tuy nhiên, công tác dập dịch, kiểm soát bệnh dịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do chưa nắm bắt chính xác được cơ chế lây nhiễm của bệnh để phòng chống, phần khác là do người dân nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan với dịch bệnh, nhiều trường hợp con người là đối tượng trung gian khiến dịch bệnh lây lan.

Cán bộ Trạm Thú y TP. Ðiện Biên Phủ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại bản Nà Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Phạm Trung

Theo số liệu thống kê của Chi cục thú y, tính đến ngày 3/7,  dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát trên địa bàn 9 xã thuộc 3 huyện, thành phố là: Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 100 con với trọng lượng gần 3 tấn. Trong bối cảnh người chăn nuôi đang tăng cường tái đàn để bù đắp nguồn cung thịt lợn cho thị trường thì dịch bệnh bùng phát khiến nguồn cung lợn hơi, lợn giống ngày càng khan hiếm.

Ông Đỗ Thái Mỹ cho biết thêm: Để tránh tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh khi giá lợn tăng cao khiến dịch lây lan ra diện rộng, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường các giải pháp tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, siết chặt việc quản lý số lượng đàn vật nuôi và giết mổ gia súc. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi cân nhắc việc tái đàn ồ ạt trong giai đoạn dịch đang tái bùng phát và chỉ tái đàn khi thực sự đảm bảo các quy định về vệ sinh chuồng trại, con giống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái phát dịch tả lợn Châu Phi người dân Điện Biên khó khăn tái đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO