Tái hiện lại “nét xưa” của Tết cổ truyền
trong thời đại mới
Hoạt động luộc, gói bánh chưng đón Tết cổ truyền đã có từ lâu trong đời sống nhân dân Việt Nam. Trải qua nhiều thập kỷ, thăng trầm, nét văn hoá này vẫn được lưu truyền và gìn giữ qua năm tháng. Trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động này được tái hiện một cách chân thực tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây theo cách truyền thống của người Hà Nội xưa…
Với chủ đề “Tết Việt – Tết Phố 2024” và nằm trong chuỗi hoạt động văn hoá Mừng Đảng – mừng Xuân, ngày 3/2 (24 tháng Chạp), tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra hoạt động luộc, gói bánh chưng đón Tết cổ truyền, theo cách của người Hà Nội xưa, do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tổ chức tái hiện.
Trong hoạt động này, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh của người Hà Nội xưa gói bánh chưng xanh, đón Tết cổ truyền của đất nước Việt Nam từ bao đời nay.
Qua hình ảnh các thành viên CLB Đình làng Việt mặc trang phục dân gian, áo dài truyền thống, Việt phục cùng ngồi luộc và gói bánh chưng Tết.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Tết Việt Nam vẫn giữ được những nét truyền thống, cổ truyền không thể mai một, như người dân luôn sắm sửa hoa đào, hoa quất trưng bày trong nhà, lì xì cho trẻ nhỏ và luôn luôn có một chiếc bánh chưng xanh nhân dịp Tết đến xuân về. Đây là một hoạt động lưu giữ bản sắc dân tộc thiêng liêng, một nét văn hoá được toàn dân duy trì hàng năm…
Chiếc bánh chưng Việt Nam có các nguyên liệu đặc biệt, bao gồm: Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ. Với đỗ xanh làm nhân bánh được lựa chọn kỹ, phải là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, tròn và mẩy. Cùng với đó, thịt lợn được lựa chọn là loại nạc vai, có chút mỡ để tạo nên hương vị béo ngậy, ướp tiêu xay thơm,…
Ngoài chiếc bánh chưng xanh vuông truyền thống, ngày nay, bánh chưng được “cải tiến” thành loại bánh chưng dài, giúp mâm cỗ ngày Tết thêm phần mới lạ, phong phú. Bánh chưng dài thường có lượng đậu/ đỗ xanh ít, ít thịt hoặc không có thịt và được xắt thành từng lát bánh tròn, có thể dùng để rán vàng giòn.
Khách tham quan chiêm ngưỡng “người Hà Nội xưa” gói bánh chưng trực tiếp bằng tay, không dùng theo khuôn, từ đó, du khách có thể cảm nhận không gian Tết xưa của Hà Nội với mâm cỗ Tất niên, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh và thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của Hà Nội nghìn năm văn hiến.