Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.
Mục đích của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến cà phê, các nhà lãnh đạo quản lý về thực trạng sản xuất cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) và duy trì phát triển sản xuất cà phê bền vững; làm rõ vai trò quan trọng của giá trị gia tăng cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến, những nhân tố ảnh hưởng đến giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của cà phê; đề xuất các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển bền vững.
Hội thảo cũng là dịp để ngành cà phê, doanh nghiệp và người làm cà phê Việt Nam có cơ hội nhìn nhận lại vị trí ngành cà phê Việt Nam so với thế giới và từ đó có bước điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu thị trường quốc tế và xu hướng phát triển chung
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, ngành hàng cà phê của nước đã có những bước chuyển đáng kể cả về năng suất, diện tích, sản sản lượng và giá trị xuất khẩu; đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước và đặc biệt là của khu vực Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội thảo |
Hiện chúng ta cũng đang từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến cà phê với sản phẩm đa dạng hơn theo tín nhiệm, nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đến năm 2016, diện tích cà phê cả nước là trên 643 nghìn ha, năng suất khoảng 24, tạ/ha, thuộc mức cao của thế giới. Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch thu được trên 3 tỷ 360 tiệu USD. Nhìn chung, cả năng xuất và sản lượng, giá trị trước khó khăn của thời tiết như thất thường, đặc biệt hạn hán những năm gần đây có xu hướng tăng lên…
Tuy nhiên, riêng Tây Nguyên, diện tích trồng cà phê vẫn cao với khoảng 540 nghìn ha, chiếm diện tích cơ bản cà phê của cả nước, vượt rất xa so với quy hoạch của năm 2020 (theo quy hoạch đến năm 2020 là 447 nghìn ha). Điều này cho thấy, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành cà phê của nước đang đứng trước những tiềm ẩn, nguy cơ phát triển thiếu ổn định; sức cạnh tranh còn thấp; sản lượng nhìn chung chưa cao và hầu như phụ thuộc sự điều tiết từ bên ngoài; chuỗi giá trị của ngành cà phê từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chưa gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các hộ sản xuất, trồng cà phê; chúng ta cũng chưa hình thành được loại hình hợp tác, liên kết như mong muốn. Cùng với đó, chúng ta cũng thấy rõ tác động của BĐKH ngày càng ảnh hưởng nặng nề đối với ngành cà phê. Năm 2016, hạn hán làm thiệt hại trên 116 nghìn ha cà phê, đầu năm 2017 này tình trạng mưa trái mùa làm cho hàng vạn ha cà phê ra hoa sớm, có thể làm giảm khả năng đậu quả và giảm năng suất vườn cây cà phê hiện nay.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn kỳ vọng, qua Hội thảo lần này để đưa ra thông điệp nhằm nâng cao nhận thức, đánh giá khách quan về thực trạng của ngành sản xuất cà phê trong điều kiện biến đổi của khí hậu và dự báo sát xu hướng biến đổi của thị trường trong và ngoài nước; bàn giải pháp đồng bộ hơn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ nông dân. Cùng với đó nhà nước tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, chính sách khả thi và hiện thực hơn để phát triển ngành cà phê đất nước ngày càng lớn mạnh.
Các đại biểu trình bày ý kiến tham luận tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, ông Y Giang Gry Nie Knơng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững trong điều kiện đó đòi hỏi phải có sự quan tâm, chỉ đạo của các ngành, các cấp tại các địa phương trong vùng Tây Nguyên; đồng thời tập trung triển khai các giải pháp có hiệu quả để cà phê được sản xuất và chế biến đúng quy trình, không phát triển thêm ngoài diện tích đã được quy hoạch; tập trung tái canh, thâm canh nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá ổn định về sản lượng, năng suất và chất lượng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Ông Y Giang Gry Nie Knơng cũng thừa nhận: Năng lực vốn, quản lý điều hành và thị trường của các doanh nghiệp liên quan đến cà phê còn hạn chế; liên kết “4 nhà”, nhất là giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê còn mang tính tự phát, vai trò của doanh nghiệp, nhà khoa học còn hạn chế; cần có biện pháp kịp thời để ứng phó với BĐKH cho khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là trong việc trồng và sản xuất cà phê…
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng đi sâu về giải pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cà phê trong điều kiện BĐKH và hội nhập quốc tế. Các ý kiến cũng đã nhấn mạnh về công tác nghiên cứu, mở rộng thị trường, thu hút nhà đầu tư và đại lý xuất khẩu ngoài nước… Qua đó giúp ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và tại Tây Nguyên nói riêng phát triển ổn định, bền vững.
Quỳnh Anh