Ta sẽ đến những chân trời mới

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý| 02/09/2021 06:49

(TN&MT) - Mùa thu năm 1945, lịch sử dân tộc Việt Nam đã mở ra một trang mới chói lọi: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Non sông bừng tỏa trong ánh sáng Cách mạng. Hào khí ấy căng đầy mới mẻ ùa vào trong cả những trang thơ: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”

Hà Nội ngày 2/9/1945, trời xanh lồng lộng, nắng vàng rực rỡ. Tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Độc lập tự do! Bốn chữ giản dị mà thiêng liêng, quý giá biết bao.

Có một chi tiết thực sự khó quên với ai đã từng chứng kiến, từng nghe kể lại. Đó là, khi đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng dừng lại, ân cần hỏi nhân dân: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một câu hỏi “hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm bao lòng”.

Bác đã truyền cảm hứng hành động cho triệu triệu người dân Việt Nam từ những điều rất đơn sơ bình dị như thế. Tư tưởng, phẩm chất, tài năng của người lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là thuộc về nhân dân, cho nhân dân, vì nhân dân. Từ tư tưởng ấy, Hồ Chí Minh cùng dân tộc; dân tộc cùng Hồ Chí Minh đã viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng non sông từ dấu mốc lịch sử chói ngời: Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Trước đó, lịch sử đã ghi rõ quyết tâm, hành động, việc bắt nắm thời cơ của những người yêu nước trong bước ngoặt kỳ diệu của thế cuộc năm Ất Dậu 1945 dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại. Từ Pắc Bó (Cao Bằng), Hồ Chí Minh về Tân Trào, dừng chân ở đình Hồng Thái vào ngày 21/5/1945. Sự chuyển dịch của lãnh tụ báo hiệu bước chuyển mình vĩ đại của lịch sử dân tộc mà chỉ sau đó 3 tháng đã trở thành hiện thực. Đình Hồng Thái là nơi đón tiếp các đại biểu ở ba miền Bắc - Trung - Nam về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945.

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương… Quốc dân Đại hội mang tầm vóc như một Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai được tổ chức; bàn luận và quyết định thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, Mười chính sách của Việt Minh, Quốc kỳ, Quốc ca… Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) được bầu ra do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc đã được điểm từ đây, khi Hồ Chí Minh đọc Lời Tuyên thệ trước đồng bào: “Chúng tôi, là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc Cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng không lùi bước”…

Ngày 16/8/1945, trong làn gió thu từ những ngọn núi cao đổ xuống lay động tán lá cây đa Tân Trào, có một đội quân chân đất áo nâu mang tên Quân giải phóng, nghiêm trang nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc trước sự chứng kiến của các đại biểu dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào…

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã truyền vào nhân dân, rộng lớn và sâu sắc. Tháng ngày lịch sử này cũng đã nhiều lần tỏa sáng trong thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Xuân Diệu, khi đắm mình trong không khí mùa thu Cách mạng năm 1945 đã hào hứng viết trường ca “Ngọn quốc kỳ” ngay trong mùa đông năm này. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong trường ca của Xuân Diệu như một biểu tượng mới mẻ, tràn trề sức sống của nước Việt Nam độc lập tự do: “Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở Ngày Độc Lập!/ Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca”…

Trước lịch sử thiêng liêng và không thể nào chối cãi, có một vấn đề cần sòng phẳng đối với những lời lẽ xuyên tạc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó đây, lúc này, lúc khác, có kẻ cho rằng đây chỉ là cuộc “cướp” chính quyền đơn thuần của lực lượng xã hội này với lực lượng xã hội khác. Đó là tư duy thật hồ đồ và sai lầm! Xin nhắc lại rằng, đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trước năm 1930, đã có không ít cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống sự xâm lược của thực dân Pháp xảy ra trên đất nước ta. Một số sĩ phu phong kiến, kể cả người đứng đầu triều Nguyễn (Vua Duy Tân, vua Hàm Nghi) đã giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp. Tiêu biểu như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo và cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy. Nhưng tất cả đều bị thất bại. Bi kịch cuối cùng của giai đoạn lịch sử tăm tối này mang tên Yên Thế, dẫu cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài dằng dặc suốt ba mươi năm.

Và chỉ đến thế hệ Hồ Chí Minh - những người Cộng sản chân chính chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực sự thành công trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc từ thực dân Pháp, tiếp sau đó là đế quốc Mỹ xâm lược.

Luận điểm mấu chốt trong kế sách dựng nước và giữ nước của thời đại Hồ Chí Minh là phải hết lòng coi trọng nhân dân. Để từ đó gắn mục tiêu giành, giữ độc lập cho đất nước với tự do hạnh phúc cho chính nhân dân. Từ năm 1946, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Bác mong muốn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Người còn căn dặn cán bộ ta: Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân… hay “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”… Đừng phút giây nào quên lời Bác dặn. Bảo bối giữ nước, dựng nước hôm nay và mai sau là ở đó. Làm đúng lời Bác dặn, Tổ quốc, chế độ sẽ vững bền muôn thuở, sẽ tung cánh bay lên mặc phong ba sóng gió dữ dội đến cỡ nào.

Thêm một mùa thu mới. Đất nước đang chuyển động về tương lai với những diện mạo, sắc thái, sinh khí mới và cũng gặp nhiều thử thách khó khăn. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 như chống giặc đang diễn ra nhiều nơi trên đất nước ta với nhiều điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... Bộn bề bao việc cần làm. Ngổn ngang bao điều cần chỉnh sửa. Trách nhiệm không của riêng ai, chẳng phải của một nhóm người nào. Tất cả dân tộc phải  đồng tâm hành động vì mục đích chung cao cả: giữ vững độc lập toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, dựng xây tự do hạnh phúc cho nhân dân. Trong những ngày này, bỗng dưng tôi lại bâng khuâng nhớ tới những lời tâm sự của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi, đất nước bao năm bom đạn/ Từng chia cơm, chia lửa, chia hầm/ Cao đẹp vậy, lòng người thanh thản/ Ta cùng ta, đồng chí, đồng tâm/... Có lẽ nào ta lại quên ta/ Đàn chim én báo mùa xuân tới/ Vượt muôn trùng sóng lớn, đường xa/ Ta sẽ đến những chân trời mới”…

Vâng, còn đó những nhức buốt trong lòng, nhưng tôi tin với tinh thần Cách mạng Tháng Tám muôn năm, dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua trở ngại để đến những chân trời mới.                                                            

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ta sẽ đến những chân trời mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO