Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng LB Nga Dmitry Chernyshenko, Tập đoàn T&T Group đã ký kết biên bản ghi nhớ với Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Tập đoàn Binnopharm về việc chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết lập mới một cơ sở sản xuất "chu trình đầy đủ” vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 tại Việt Nam; đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất, cùng thiết lập trung tâm nghiên cứu và cơ sở sản xuất "chu trình đầy đủ" tại Việt Nam để sản xuất các loại dược phẩm phòng chống COVID-19 và các loại dược phẩm khác.
Đại diện Tập đoàn T&T Group, Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga và Tập đoàn Binnopharm trao biên bản ghi nhớ hợp tác về việc chuyển giao công nghệ sản xuất "chu trình đầy đủ" vắc xin Sputnik V. |
Theo đó, để thiết lập một “chu trình đầy đủ”, RDIF sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cần thiết và hỗ trợ toàn diện cho các đối tác được lựa chọn, bao gồm đầy đủ các tài liệu, quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực, vật liệu sinh học cần thiết để đảm bảo vắc xin đạt tiêu chuẩn như sản xuất tại Nga. Chính vì vậy, tiêu chuẩn để trở thành một nhà sản xuất “chu trình đầy đủ” là rất cao, với quy trình soát xét nghiêm ngặt, trong đó yêu cầu cao về uy tín, năng lực sản xuất và năng lực tài chính.
Tập đoàn Binnopharm là nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất, đồng thời là một trong những doanh nghiệp chủ lực sản xuất vắc xin Sputnik V của LB Nga hiện nay. Binnopharm cũng nằm trong TOP 3 công ty lớn nhất trên thị trường dược phẩm Nga, được người dân Nga ưa chuộng và tin dùng với danh mục thuốc đa dạng nhất. Trong khi đó, RDIF là quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, đóng vai trò dẫn dắt trong việc hợp tác giữa các nhà đầu tư hàng đầu thế giới với các công ty hàng đầu của Nga. RDIF là đơn vị tài trợ chính cho chương trình nghiên cứu, và hợp tác sản xuất vắc xin Sputnik V.
LB Nga là cường quốc nổi tiếng với khoa học kỹ thuật hiện đại, quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và phát triển thành công vắc xin phòng COVID-19 (Sputnik V). Ngày 29/11 vừa qua, LB Nga đã công bố sẽ nhanh chóng triển khai quy trình việc phát triển phiên bản mới của vắc xin Sputnik thích ứng với biến thể Omicron.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện trên toàn cầu vào cuối tháng 12/2019 và đến nay đã liên tục thay đổi thông qua quá trình biến đổi tự nhiên, với 4 biến thể nặng chính. Gần đây nhất, biến thể Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi vào ngày 24/11, đã nhanh chóng bị phát hiện và lan rộng ra hơn 10 quốc gia chỉ trong vòng một tuần. Chính vì vậy, “cái bắt tay” kịp thời giữa T&T Group với đối tác LB Nga để sản xuất Sputnik V trong nước có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam không chỉ chủ động nguồn cung vắc xin, mà còn nhanh chóng chống lại những biến chủng mới liên tục của COVID-19.
Sputnik V sẽ được sản xuất theo một “quy trình đầy đủ” đúng các quy trình, quy chuẩn, vật liệu tiêu chuẩn về chất lượng do Nga kiểm soát |
Việc hợp tác giữa những tập đoàn hàng đầu của hai quốc gia được đánh giá có vai trò quan trọng, nhằm thúc đẩy, tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực y tế, dược phẩm, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Đặc biệt hơn nữa, thông qua “cánh tay nối dài” là công ty TNHH T&T Nga đã chính thức hoạt động từ tháng 5/2019 sẽ góp phần thúc đẩy nhanh chóng hiện thực hoá các thoả thuận đã ký.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của LB Nga, thời gian qua, T&T Group cũng đã tích cực hợp tác, chuyển giao công nghệ với các quốc gia, tập đoàn quốc tế hàng đầu thế giới khác trong lĩnh vực y tế nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng như hợp tác với Tây Ban Nha thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19; xây dựng, quản lý, vận hành Trung tâm nghiên cứu và phát triển vắc xin tại Việt Nam chuyển giao công nghệ sản xuất, bản quyền sau khi vắc xin được cấp phép tại Việt Nam; hợp tác với Nhật phát triển y tế chất lượng cao tại Việt Nam.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đã luôn đi đầu, tích cực đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trên khắp cả nước trong công tác phòng, chống dịch với số tiền lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.