Sương mù và mưa phùn tại Hà Nội có khả năng kéo dài đến sáng 4/2
(TN&MT) - Sáng 2/2, khắp thủ đô Hà Nội tràn ngập sương mù, nhất là tại các khu nhà cao tầng, các tòa chung cư, các tuyến phố, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Chuyên gia KTTV dự báo, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2, sau đó từ ngày 5/2 sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm.
Theo ghi nhận của Báo Tài nguyên và Môi trường, từ 6 giờ đến 10 giờ sáng nay, sương mù vẫn giăng kín khắp các nơi ở thủ đô Hà Nội. Mưa đã giảm nhưng sương mù vẫn phủ kín khắp các đường phố, tòa nhà cao tầng, nhà chung cư, làm giảm tầm nhìn, hầu hết người dân di chuyển trên đường lúc sáng sớm đều phải bật đèn.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Vũ Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Khoảng 5h30 sáng nay, khắp đường đi và hàng cây trong Công viên Thống Nhất đều tràn ngập sương mù, khiến tầm nhìn hạn chế. Tôi chỉ dám đi bộ quanh công viên rất chậm để nhìn đường, phía trước mù mịt gần như không nhìn thấy, rất khó di chuyển".
Bà Nguyễn Vũ Thùy Dương (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Khoảng 7h30 sáng nay, trên đường đi làm, khi đi qua đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài và đường 5 đoạn cầu Đông Trù, tôi vừa đi vừa dò dẫm, tốc độ chỉ khoảng 20-30km/h vì khắp con đường phía trước là sương mù dày đặc khiến tầm nhìn của tôi bị giảm xuống rất nhiều".
Theo chuyên gia khí tượng, vào mùa đông, sương mù là hiện tượng đặc trưng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Chuyên gia cảnh báo, hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông, có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.
Trao đổi với báo chí vào sáng 2/2, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV cho biết, sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.
Nguyên nhân gây sương mù là do độ ẩm không khí lớn. Theo ông Lâm, trong những ngày vừa qua không khí ẩm từ Vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam ở rìa phía Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu lệch Đông.
Bên cạnh đó, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, lặng gió khiến cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt.
Ông Hoàng Phúc Lâm thông tin, sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông.
Theo dự báo của cơ quan KTTV, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng ngày 4/2, từ ngày 5/2 sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.
Dưới đây là những hình ảnh sương mù phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tại một số khu vực ở Hà Nội