(TN&MT) - Chưa bao giờ người dân ở vùng đất được mệnh danh là "Vương quốc của tỏi", quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải anh hùng năm xưa - huyện đảo Lý Sơn lại vui mừng, hạnh phúc như năm 2014 vừa qua, khi điện lưới quốc gia cáp ngầm đã vượt biển đến đây thắp sáng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã có những định hướng phát triển và cơ chế, chính sách cho huyện đảo Lý Sơn. Đây chính là tiền đề, động lực, tạo sức bật quan trọng trước thềm Xuân mới 2015 để huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở miền Trung phát triển, khởi sắc...

Đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn
Có diện tích gần 10 km2, huyện đảo Lý Sơn gồm 2 đảo là đảo Lớn và đảo Bé, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý; gồm 3 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình. Dân số gần 22 nghìn người, đa phần sống bằng nghề biển và trồng hành, tỏi. Nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong hệ thống các đảo tiền tiêu về phía biển, Lý Sơn có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Năm 2014, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng huyện đảo Lý Sơn đã có bước bứt phá ngoạn mục. Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế đạt 757,199 tỷ đồng, tăng 16,18% so với năm 2013, trong đó giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng 6,97%; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 24,53%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,16%; thu ngân sách tăng 151,8%; đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng với tổng nguồn vốn bố trí các dự án gần 61,9 tỷ đồng... Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 18 triệu đồng, tăng 2,2 triệu đồng. Đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Một số lĩnh vực có tiềm năng lợi thế như khai thác hải sản, kinh tế biển, du lịch được huyện tập trung khai thác có hiệu quả. Trong đó, khai thác hải sản được xác định là khâu đột phá, vừa phát triển kinh tế biển, vừa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo nên huyện khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại vươn khơi. Đến nay, toàn huyện có 426 tàu đánh bắt hải sản, với tổng công suất 47.245 CV. Cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá cũng như phục vụ du lịch trên đảo cũng được huyện đầu tư xây dựng, đã và đang mở ra cơ hội phát triển chế biến thủy hải sản và du lịch.
Đặc biệt, trong năm 2014 có hai yếu tố nổi bật để huyện đảo Lý Sơn bứt phá đi lên; đó là điện lưới quốc gia cáp ngầm đã vượt biển đến đây thắp sáng và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã định hướng phát triển và cơ chế, chính sách cho huyện đảo Lý Sơn.

Trồng hành, tỏi ở Lý Sơn
Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm hoàn thành là một dấu ấn quan trọng đối với huyện đảo, cung cấp nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ cho tất cả các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Người dân không còn sống trong cảnh có điện "6 giờ một ngày" từ nguồn phát điện bằng diesel như trước đây. Dự án cũng là minh chứng sống động thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp trong đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, tìm mọi giải pháp, nguồn lực để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, quan tâm thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo...
Đây là Dự án có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện các mặt đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020, được Chính phủ đặc biệt quan tâm như: Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án trọng điểm, như vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2); đường cơ động phía Đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn 2); hệ thống cấp nước trung tâm huyện Lý Sơn; đường cơ động xung quanh đảo Lớn, đảo Bé kết hợp kè biển chống sạt lở, các tuyến đê biển; cảng Bến Đình; nâng cấp bệnh viện quân dân y kết hợp; Trung tâm y tế dự phòng; cấp nước (giai đoạn 2); Trung tâm thông tin nghề cá; Đường trung tâm huyện-xã An Hải; đường Cồn An Vĩnh-Ra đa tầm xa. Theo đó, nhà đầu tư có dự án đầu tư vào huyện đảo Lý Sơn được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Đối với ngư dân được ưu tiên hỗ trợ mức cao nhất theo từng loại, đối tượng quy định tại Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Về chính sách cán bộ được hưởng phụ cấp khu vực 0,7...

Ông Trần Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiêm Trưởng ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn cho biết: Về định hướng phát triển huyện đảo Lý Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận, trong thời gian tới sẽ phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh. Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh; tăng cường liên kết vùng kinh tế Duyên hải miền Trung, hội nhập khu vực để phát triển bền vững. Xây dựng đội tàu thuyền hiện đại, có năng lực đánh bắt xa bờ, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo; đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng nuôi trồng, chế biến thủy sản, bảo quản xuất khẩu ngay trên biển, đảo. Quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ mới về sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, bền vững, có thương hiệu (tỏi, hành). Quy hoạch phát triển du lịch tâm linh, sinh thái biển đảo theo hướng bảo tồn và khai thác tài nguyên biển bền vững; kết nối với các tuyến, khu du lịch của các tỉnh khu vực miền Trung, tận dụng tối đa nguồn nhân lực cộng đồng. Đặc biệt, thu hút các dự án đầu tư vào khu bảo tồn sinh vật biển và mở rộng diện tích đảo ở những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các resort, khu giải trí và xây dựng đô thị hiện đại, hài hòa trên đảo. Xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường sống lý tưởng. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo lao động chất lượng cao; xây dựng con người Lý Sơn năng động, sáng tạo, có văn hóa, nhất là trong giao lưu, ứng xử và thực thi công việc; giải quyết tốt vấn đề sinh kế của người dân, giảm nghèo bền vững...
Xuân Ất Mùi đang đến gần. Những thành tựu mang dấu ấn của năm 2014 đang là tiền đề, điều kiện, tạo sức bật quan trọng cho năm mới 2015. Lý Sơn đang đón chào Xuân mới với nhiều lợi thế lớn.
Bài và ảnh: Mỹ Lộc – Anh Dũng