Sửa quy định đấu giá đất - Cần thiết nhưng không nên siết quá chặt

Hà Thư (thực hiện)| 12/05/2022 14:52

(TN&MT) - Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận những cuộc đấu giá đất xảy ra tình trạng bỏ cọc hoặc mức trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với khởi điểm. Điều đó đặt ra nhiều câu hỏi và yêu cầu cần sửa đổi, hoàn thiện pháp lý về đấu giá quyền sử dụng đất. Xoay quanh nội dung này, Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Đấu giá đất - Phương pháp ưu việt giúp minh bạch thị trường

PV: Thưa ông, từ những sự kiện đấu giá đất nổi cộm thời gian gần đây, quan điểm của ông về sửa đổi các quy định đấu giá đất như thế nào?

Ông Bùi Văn Doanh: Trước tiên, tôi cho rằng, đấu giá đất là một phương pháp ưu việt để góp phần tạo nên sự công khai, minh bạch, bình đẳng và hiệu quả cho thị trường BĐS. Về đấu giá đất, chúng ta đã có những quy định nhưng Luật còn chưa chặt chẽ và chưa thật hoàn thiện.

Thực tế, quy định về giao dịch BĐS tại Việt Nam, nhất là định giá đất, giao dự án… chưa thống nhất giữa các bộ Luật, dẫn đến tồn tại việc giữa chủ đầu tư và chính quyền có những sự “giao kết ngầm”, để chọn phương án giá đất rẻ nhất, mang lại cho chủ đầu tư lợi nhuận cao nhất. Như vậy, gây thất thoát tài sản không nhỏ của Nhà nước và Nhân dân. Lối thoát cho thực trạng trên là đấu giá đất.

t9.jpg
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Hình thức này ưu việt là vậy, tuy nhiên, hệ thống pháp luật quy định về đấu giá đất chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng thông đồng trong đấu giá, lại tiếp tục tạo nên những kẽ hở, gây thất thoát tài sản quốc gia.

Một số sự kiện về đấu giá đất vừa qua khiến dư luận xã hội và truyền thông dấy lên nhiều tranh luận về việc cần siết chặt lại đấu giá đất. Tôi cũng đồng ý rằng cần bổ sung thêm những điều chỉnh hợp lý về luật liên quan đến vấn đề này. Nhưng cũng cần cân nhắc để không bị siết quá chặt.

Có những ý kiến cho rằng, cần phải phạt những người đã trúng đấu giá rồi nhưng bỏ. Ở góc nhìn của tôi, tôi đồng ý với quan điểm của nhiều chuyên gia, nếu bắt họ phải nộp phạt quá cao thì có thể dẫn đến phản ứng ngược, nhiều người sẽ e dè với việc tham gia đấu giá đất. Vì sau khi họ trúng đấu giá đất rồi, có khi do những trường hợp bất khả kháng nào đó, buộc phải bỏ việc đấu giá. Lúc đó, họ cũng đã phải mất tiền cọc. Khi người ta dè dặt tham gia đấu giá đất thì việc giao dự án, giao đất sẽ quay trở lại… Như vậy đó là vòng luẩn quẩn.

PV: Dường như các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đấu giá đất, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Văn Doanh: Nếu có sự lúng túng thì tôi nghĩ là do các địa phương lo ngại không biết phải làm theo cách nào. Bàn giao đất hay tổ chức đấu giá đất, cách nào cũng rất dễ sơ sót. Do chúng ta có nhiều quy định còn chồng chéo. Nhiều quan chức thông đồng với doanh nghiệp đã vướng vào nhiều vụ án tham nhũng. Cho nên làm cho địa phương chùn tay, không biết làm sao để giải tỏa nghẽn tắc thị trường BĐS.

Như câu chuyện ở Thủ Thiêm, rõ ràng tổ chức đấu giá theo đúng pháp luật của Nhà nước nhưng cuối cùng vẫn bị đổ bể. Sự kiện đó làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, chưa nói gây thiệt hại về kinh tế. Sau sự việc này, uy tín của thị trường bất động sản tại TP.HCM cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế pháp luật cần minh bạch, nhất quán và thống nhất.

PV: Việc trúng giá đất cao rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá trị thật thì nguyên nhân nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Bùi Văn Doanh: Tôi cho rằng xuất phát từ việc quy định pháp luật về định giá đất cần phải rõ ràng hơn nữa. Khi pháp luật không quy định giá trần thì họ có thể trả vống lên đến gấp hàng chục lần, thậm chí nhiều hơn thế. Đó là điều không tưởng và nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường thực sự.

Tôi nhất trí cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu giá đất. Trong đó có quy định về giá trần.

Cốt lõi là minh bạch, chống tham nhũng về đất đai

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần chú tâm đến điều gì trong việc sửa đổi quy định về đấu giá đất?

Ông Bùi Văn Doanh: Tôi nghĩ rằng, phương án đấu giá đất vẫn là phương án ưu việt và đúng pháp luật nhất vì nó công khai minh bạch. Quan trọng là sự minh bạch, chống lại tham nhũng về đất đai. Chúng ta có lẽ cũng không nên băn khoăn nhiều về chuyện đấu giá rồi bỏ đấu giá. Bởi vì mình vẫn thu được khoản tiền từ đấu giá. Đất thì không mất đi đâu và vẫn có thể tổ chức dấu giá tiếp. Còn việc đấu giá gây ra các hệ quả hay không nằm ở sự quản lý là phần nhiều.

t9a.jpg

Đấu giá đất là một phương pháp ưu việt để góp phần tạo nên sự công khai, minh bạch, bình đẳng và hiệu quả cho thị trường BĐS. Ảnh: Hoàng Minh

Nếu quản lý chặt thị trường BĐS thì sẽ không lũng đoạn về giá. Nếu chỉ xử lý việc lũng đoạn thị trường bằng siết chặt đấu giá thì chúng ta sẽ luôn phải chạy đuổi theo những người làm ăn không chân chính và liên tục phải điều chỉnh pháp luật. Như thế thì không bao giờ theo kịp. Luật pháp là thượng tầng kiến trúc. Mà thượng tầng thì không bao giờ có độ trễ, đi sau thực tiễn. Bịt cái này thì sẽ phát sinh cái khác.

Việc quản lý giá BĐS trên thị trường phụ thuộc vào năng lực, trình độ quản lý. Và nguồn gốc của việc lũng đoạn thị trường BĐS nằm ở khâu ở định giá đất, chứ không phải ở phương pháp đấu giá đất. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về đấu giá đất là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng không nên siết quá chặt để tránh gây phản ứng ngược.

PV: Vậy cần phải đưa ra những chế tài và chính sách như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Doanh: Đây chắc chắn phải là những đề xuất rất cụ thể. Các chuyên gia vẫn nhìn nhận rằng, gốc rễ và cốt lõi của vấn đề nằm ở điểm định giá đất.

Đấu giá đất dường như đang được xếp vào một loại đặc biệt. Nhưng về bản chất, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia thì đất trong việc đấu giá cũng giống như những tài sản đấu giá thông thường.

Sau một số sự kiện đấu giá đất vừa qua, nhiều địa phương e dè và đang tạm cho dừng đấu giá đất ở thời điểm hiện tại. Nó dẫn đến tâm lý e dè cho cả doanh nghiệp. Còn những lo ngại về các vấn đề thiếu minh bạch khác xoay quanh việc đấu giá đất thì cần phải có nhiều biện pháp và công cụ khác để quản lý kèm.

Đôi khi phải chấp nhận cả những rủi ro. Giống như đi mua đất, đặt cọc nhưng không mua. Mình mất cọc, có thể mình thiệt thật vì nếu không có đặt cọc đó thì có thể bán cho người khác giá cao hơn. Nhưng đó cũng là những yếu tố vận hành của thị trường và mình cũng phải chấp nhận. Cũng không thể để doanh nghiệp chịu hết mọi phần thua hay thiệt thòi. Vì đó là một sân chơi, có luật chơi rồi thì phái chấp nhận có người thua, người thắng, có lúc thắng, lúc thua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa quy định đấu giá đất - Cần thiết nhưng không nên siết quá chặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO