Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, Nghị định 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2019. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý Nhà nước các hoạt động đo đạc và bản đồ. Các công tác cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn.
Tuyvậy, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định đã có một số bất cập như: Chưa quy định cụ thể tiêu chí về nhân viên kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, công nghệ để đáp ứng với từng nội dung đề nghị cấp phép trong Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép; chưa quy định cụ thể về trình độ chuyên môn đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc đối với từng nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.
Bên cạnh đó, một số trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ chưa được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ TN&MT; những lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ vào Văn phòng một cửa vì không hẹn được thời gian trả kết quả cho cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ; chưa bao quát một số quy định pháp luật mới ban hành.
Vì vậy, nhằm đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Hoàng Ngọc Lâm cho rằng, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2019/2021 là cần thiết.
Đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định, ông Hoàng Ngọc Lâm cũng cho biết, Cục sẽ tập trung sửa đổi 2 nội dung liên quan đến quy định cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và quy định chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ |
Theo đó, đối với quy định cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, Cục đề xuất bổ sung quy định điều kiện cấp giấy phép đối với từng nội dung Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép và thời gian trả kết quả giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; sửa đổi cơ quan tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; sửa đổi bỏ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và sửa đổi Mẫu số 10 (Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ), Mẫu số 12 (Bản khai quá trình công tác).
Về quy định chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Cục đề xuất bổ sung quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ đối với từng nội dung Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ; sửa đổi cơ quan tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; sửa đổi trình tự thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Cục đã xây dựng kế hoạch cụ thể quá trình thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định. Dự kiến, Nghị định sửa đổi Nghị định 27 sẽ được Bộ T&MT trình Chính phủ tháng 8/2021.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đề xuất bổ sung quy định các chuyên ngành đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, đồng thời đề nghị bỏ từ “lực” trong “gia tốc lực trọng trường” tại Điều 7, Chương 2 của Nghị định.
Liên quan đến quy định thủ tục hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, bà Bùi Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, cần cân nhắc quy định rõ tổng thời gian thực hiện thủ tục hành chính bao gồm: tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính và quy định thời gian tổ chức hội đồng thi sát hạch cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Bên cạnh đó, Cục cũng rà soát thêm nội dung cấp chứng chỉ hành nghề cho khảo sát địa hình trong ngành xây dựng để tránh trùng lặp với các đơn vị cấp chứng chỉ ngành nghề khác.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp. Đồng thời, đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và nghiên cứu, bổ sung các nội dung để đề xuất sửa đổi Nghị định 27.
Thứ trưởng cho rằng, Chương trình chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có quy định nội dung cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, vì vậy Cục nên xem xét thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ trên hồ sơ mạng làm cơ sở, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.