Khai mạc toạ đàm, ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn chia sẻ: Trong giai đoạn 2020 và 2021, khủng hoảng kép từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm, diễn biến phức tạp đã tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, trong đó dầu khí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
4 tháng đầu năm 2022, Petrovietnam đạt doanh thu bằng 150% kế hoạch
Trong bối cảnh hàng loạt các công ty dầu khí lớn trên thế giới thua lỗ, thậm chí phá sản, sa thải công nhân… thì Petrovietnam tăng trưởng dương trong 2 năm qua và những tháng đầu năm 2022 với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị, điều hành, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch với những kết quả rất đáng ghi nhận của tập thể người lao động Dầu khí. Cụ thể, năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 672,2 nghìn tỷ đồng (đạt 128% kế hoạch năm, vượt 129% so với doanh thu năm 2020). Trong 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn tập đoàn đạt gần 272 nghìn tỷ đồng, đạt 150% so với kế hoạch 4 tháng đầu năm 2022.
Tại Toạ đàm, ông Bùi Ngọc Dương- Tổng Giám đốc BSR cho biết, năm 2021, BSR đạt doanh thu 102.068 tỷ đồng; nộp NSNN 11.366 tỷ đồng và lợi nhuận 6.776 tỷ đồng. Quý 1/2022, BSR tiếp tục gặt hái được những thành công, trong đó doanh thu đạt 35.143 tỷ đồng, nộp NSNN đạt 4.064 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.345 tỷ đồng. Lũy kế kể từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành thương mại (2009 – nay), BSR đã sản xuất 76,7 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt doanh thu 1,26 triệu tỷ đồng; nộp ngân sách 184.825 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD, gấp 2,7 lần tổng mức đầu tư của NMLD Dung Quất).
Trong năm 2022, BSR đã chủ động tăng công suất vận hành nhà máy để bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong thời gian qua khi nhu cầu thị trường tăng và nguồn cung từ NMLD Nghi Sơn bị giảm. Có thời điểm NMLD Dung Quất vận hành ở mức 112% công suất thiết kế, công suất vận hành trung bình trong tháng 4 là 111,32%.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, BSR đang tích cực triển khai để phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng nhanh trên quy mô toàn cầu, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế. BSR đã làm việc với các nhà thầu tư vấn tối ưu hoá dầu thô thiết kế, cấu hình công nghệ, cơ cấu sản phẩm và tiết giảm tổng mức đầu tư của dự án.
“Kết quả SXKD thống kê từ 2009-2021 đã chứng minh rằng việc đầu tư NMLD Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần gia tăng nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu cho quốc phòng, là động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ và kinh tế miền Trung”, ông Bùi Ngọc Dương nhấn mạnh.
Luật Dầu khí sửa đổi cần bám sát đặc thù của ngành Dầu khí Việt Nam
Ông Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV Tập đoàn nêu vấn đề với đặc thù của ngành Dầu khí Việt Nam, sự tác động của thị trường thế giới, sự tác động của giá dầu lên công tác SXKD rất lớn. Ngành Dầu khí Việt Nam cần có cơ chế, khung pháp lý hoàn thiện để căn cứ vào đó có các giải pháp linh hoạt bám sát thị trường. Bởi trong thực tế, đã có những giải pháp được đưa ra nhưng không có cơ chế, khung pháp lý nào để căn cứ áp dụng. Vì thế, tầm quan trọng của việc hoàn thiện đầy đủ, chính xác, sát thực tế về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) rất quan trọng.
Phát biểu về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng - Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân chia sẻ, ông rất ấn tượng với tỉ trọng đóng góp cho ngân sách quốc gia của Petrovietnam. Điều đó chứng tỏ sự cống hiến, hàm lượng chất xám, trí tuệ rất cao của người dầu khí. Ở góc độ truyền thông và việc hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Phan Văn Hùng cho biết, cần truyền tải thêm nhiều hơn thông tin tới các cơ quan, bộ ngành và nhân dân để thấy sự cần thiết của Luật Dầu khí sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý, góp phần phát triển bền vững Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Cùng chung quan điểm về truyền thông cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cho rằng, đối với bất kỳ dự án luật nào cũng cần có thời gian dài xây dựng và hoàn chỉnh. Chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông chính sách, ông Thọ đưa ý kiến, Petrovietnam cần tổ chức những buổi toạ đàm chuyên sâu về pháp luật liên quan đến lĩnh vực dầu khí để các chuyên gia trong ngành đưa ra ý kiến và báo chí truyền tải đến nhân dân.
Đưa ra ý kiến về hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Nguyễn Như Phong – Giám đốc Công ty Truyền thông Thời Mới nêu quan điểm đối với Luật Dầu khí (sửa đổi) cần bám sát tinh thần của Nghị quyết 41 nhằm tạo điều kiện cho Petrovietnam chủ động trong công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng cơ chế chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của Tập đoàn.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, ông Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV Tập đoàn chia sẻ: “Những người làm công tác dầu khí luôn tự hào khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, đầy khó khăn nhưng rất vẻ vang. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, để đạt được những thành công trên, ngoài sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, sự đoàn kết nhất trí của các thế hệ những người làm công tác dầu khí; Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn luôn tạo những điều kiện tốt nhất, trong đó có sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông dành cho Tập đoàn. Trong buổi Toạ đàm hôm nay, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã nhiệt tình trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, tư vấn rất hữu ích cho BSR và Petrovietnam. Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn và BSR, chúng tôi trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các cơ quan báo chí, sớm cụ thể hóa các nội dung, ý tưởng được hình thành trong Tọa đàm”.