Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo vệ nước dưới đất: Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật tài nguyên nước

09/08/2017 00:00

(TN&MT) - Trước thông tin dư luận cho rằng Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất có một số mâu thuẫn, không rõ ràng thiếu thống nhất và không phù hợp với Luật tài nguyên nước, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh

PV: Được biết, Cục Quản lý tài nguyên nước đang được giao xây dựng dự thảo Thông tư quy định bảo vệ nước dưới đất trên cơ sở sửa đổi, thay thế Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin ông cho biết sự cần thiết của việc sửa đổi văn bản này?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Nhằm tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998, năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Quy định này quy định các tiêu chí cụ thể để khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất như: các vùng đã bị khai thác quá mức; vùng nằm gần các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác hay các vùng bị sụt lún đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng do khai thác nước dưới đất gây ra... Trên cơ sở đó, sẽ áp dụng các biện pháp để hạn chế khai thác nước dưới đất tại các vùng đó như: không được khoan thêm giếng mới, giảm lưu lượng khai thác của một số công trình đang có... nhằm giảm bớt nguy cơ, áp lực gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.

Các quy định của Quyết định nêu trên phù hợp hệ thống pháp luật của Luật tài nguyên nước năm 1998 và đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ các hoạt động khoan giếng, khai nước ngầm nhằm bảo vệ nguồn nước đặc biệt quan trọng này. Cũng lưu ý rằng, khác với các dòng sông, nếu nước ngầm bị ô nhiễm thì khó hoặc thậm chí là không thể khôi phục.

Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước mới, theo đó đã sửa đổi bổ sung toàn diện và thay thế Luật tài nguyên nước năm 1998. Luật tài nguyên nước mới đã quy định cụ thể nhiều biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng, trong đó có quy định về thăm dò, khai thác, hạn chế khai thác nước ngầm.... Các quy định về bảo vệ nước dưới đất được ban hành tại Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT trên cơ sở các quy định của hệ thống pháp luật về tài nước cũ. Do đó, có một số nội dung quy định không còn phù hợp với quy định của Luật tài nguyên nước mới. Để khắc phục tình trạng này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã đề xuất Bộ TN&MT cho phép sửa đổi, bổ sung và thay thế Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT và đưa vào Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2017 của Bộ.

PV: Pháp luật về tài nguyên nước hiện nay quy định như thế nào về bồi thường khi Nhà nước thu hồi giấy phép khai thác? Vấn đề này có được quy định trong Dự thảo Thông tư nêu trên mà Cục đang xây dựng hay không?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Việc được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động khai thác thác sử dụng tài nguyên nước đã được quy định trong Luật tài nguyên nước năm 1998 và đến Luật tài nguyên nước năm 2012 cũng tiếp tục được khẳng định. Theo đó, tại các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật nêu trên đều đã có quy định: trường hợp giấy phép bị thu hồi vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì chủ giấy phép được nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, ngoài ra còn được hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Như vậy, pháp luật về tài nguyên nước đã quy định khi bị nhà nước thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Những vấn đề cụ thể để xử lý, giải quyết vấn đề bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về nguyên tắc, các vấn đề về bồi thường, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước, Nghị định quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và pháp luật về bồi thường. Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất quy định cụ thể về các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước, trong đó có các biện pháp hạn chế khai khai thác nước dưới đất theo quy định của Luật tài nguyên nước mới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ nghiên cứu bổ sung theo hướng dẫn chiếu vấn đề bồi thường vào Dự thảo thông tư.

PV: Trước thông tin dư luận cho rằng Dự thảo Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất có một số mâu thuẫn, không rõ ràng thiếu thống nhất và không phù hợp với Luật tài nguyên nước. Xin ông cho biết sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Dự thảo Thông tư đang được gửi lấy ý kiến 63 tỉnh, thành và các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đồng thời, Dự thảo Thông tư cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân theo quy định. Đến nay đã có hơn 60 văn bản góp ý kiến cho Dự thảo, trong đó có cả ý kiến của VCCI. Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp ý kiến góp ý để nghiên cứu, tiếp thu bổ sung chỉnh sửa và hoàn chỉnh Dự thảo thông tư rồi Tổ soạn thảo sẽ tiếp tục cho ý kiến, sau đó lại tiếp tục hoàn chỉnh mới gửi cơ quan pháp chế thẩm định.

Với trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ nghiêm túc nghiên cứu ý kiến góp ý của tất cả các cơ quan đơn vị có liên quan, của 63 tỉnh, thành phố và nhân dân trên cổng thông tin điện tử hoặc bất kỳ ý kiến góp ý bằng các hình thức khác. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, những vấn đề gì có thể tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo sẽ được tiếp thu, những vấn đề có ý kiến khác nhau cũng sẽ được thảo luận, xin ý kiến kỹ lưỡng, còn những vấn đề gì không thể tiếp thu cũng sẽ được giải trình cụ thể để bảo đảm Dự thảo thông tư tuân thủ nguyên tắc cao nhất là bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, Luật Tài nguyên nước và các pháp luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phải bảo đảm rõ ràng, khả thi, minh bạch, nhất là bảo đảm quyền tài sản của người dân theo Luật định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo vệ nước dưới đất: Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO