Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Thành viên Ban soạn thảo kiêm Tổ trưởng Tổ biên tập nêu rõ, thời gian qua, Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng, tham mưu quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn thuộc Bộ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đôn đốc, hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước.
Nhờ đó, việc quản lý hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng bước đầu đi vào nề nếp. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc được từ 7 loại công trình đã bổ sung, đóng góp cho công tác dự báo, cảnh báo phục vụ cộng đồng của Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia. Hành lang kỹ thuật theo quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP đã tương đối phù hợp với thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, vừa không mâu thuẫn với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khu vực có công trình.
Đáng chú ý, từ khi Nghị định số 38/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình đã giảm, ít phát sinh vi phạm mới mà chủ yếu là những vi phạm tồn tại, xuất hiện từ trước thời điểm ban hành Luật khí tượng thủy văn năm 2015.
Bên cạnh đó, hoạt động dự báo, cảnh báo của tổ chức cá nhân, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có đủ cơ sở pháp lý và bước đầu mang lại kết quả.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương chưa quan tâm đến việc rà soát, lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn. Trong khi đó, ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình KTTV chưa có, dẫn đến những vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật công trình KTTV vẫn còn diễn ra tại một số trạm trên các tỉnh, thành phố.
Mặt khác, thủ tục hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn còn ít, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nguồn thu từ phí khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn còn thấp do phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu khai thác của xã hội; vì vậy việc chủ động tăng thu không khả thi. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV chưa được tăng cường, thiếu hiệu lực, hiệu quả một phần do thiếu nguồn nhân lực, tài chính, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về KTTV chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành...
Theo ông Lê Thanh Hải, một số quy định về loại công trình của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP chưa đủ cụ thể, chi tiết dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng; yêu cầu tiếp tục minh bạch hóa hồ sơ, đơn giản thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, một số quy định về hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn cần được điều chỉnh thêm về kỹ thuật. Hơn nữa, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động khí tượng thủy văn, nên cũng cần có sự điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật.
Xuất phát từ thực tế đó, việc xây dựng, trình ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn là cần thiết, đủ cơ sở pháp lý và có ý nghĩa quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn đạt hiệu lực, hiệu quả trên thực tế.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến đều cho rằng sau 3 năm thực hiện Nghị định số 38/2016/NĐ-CP cơ bản đã được triển khai trong thực tế và đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn yêu cầu,chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo quy định như thế nào cho phù hợp; đảm bảo an toàn cho bản thân công trình đó chứ không phải là để tham gia vào mạng lưới KTTV.
“Chúng ta cần sửa quy định theo hướng rõ ràng, chi tiết, cụ thể, khả thi; không phát sinh thủ tục hành chính mới, đơn giản hóa, minh bạch hóa hồ sơ, biểu mẫu để thuận lợi trong quá trình triển khai thực thi các thủ tục hành chính. Đồng thời, các quy định của Nghị định phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị rà soát lại các vấn đề khác như đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép. Tuy nhiên phải thay tiền kiểm bằng hậu kiểm đúng theo xu thế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Việc sử dụng số liệu KTTV nên tạo mọi điều kiện để các Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận và hiểu được cách sử dụng các số liệu đó.