Bà Bùi Thị Minh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Quảng cảnh buổi họp trực tuyến |
Luật có nhiều nội dung cơ bản, quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó, một số nội dung sửa đổi liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, như: sửa đổi về biện pháp khắc phục hậu quả; tăng mức phạt tiền của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch UBND cấp huyện, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…); tăng giá trị được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt (Chủ tịch UBND cấp xã, thanh tra, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển …); sửa đổi, bổ sung tên gọi một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung về thủ tục xử phạt (Điều 58 về lập biên bản vi phạm hành chính).
Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, Nghị định số 173/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2017/NĐ-CP), Nghị định số 18/2020/NĐ-CP cho thấy: một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định về nội dung quản lý nhưng chưa có quy định về xử phạt để thực hiện; một số hành vi tại các Nghị định xử phạt qua rà soát còn thiếu so với quy định pháp luật cần bổ sung để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh.
Ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 126/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về quản lý đất |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Vụ Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục trình Bộ thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập gồm đại diện của các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, Vụ đã rà soát các quy định, tổ chức họp trao đổi về các nội dung; hoàn thiện dự thảo Nghị định, Tờ trình và các thành phần hồ sơ trình ban hành Nghị định.
Dự thảo Nghị định gồm 7 Điều theo 3 nhóm vấn đề chính: Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nội dung các quy phạm đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quá trình triển khai thi hành; sửa đổi để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 8/44 Điều của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; sửa đổi, bổ sung 25/73 Điều của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; sửa đổi, bổ sung 9/23 Điều Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung 12/23 Điều của Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ngày 11/2/2020 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cơ bản thống nhất các nội dung trong Dự thảo Nghị định do Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng. Đồng thời, tập trung thảo luận về các nội dung để nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; kế thừa những nội dung xử phạt vi phạm hành chính trước đây và khắc phục những hạn chế, bất cập của một số quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Nghị định có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính các lĩnh vực này.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rà soát một số nội dung được kiến nghị xem xét bổ sung theo ý kiến của cử tri và Thanh tra Bộ.
Cùng với đó, Vụ Pháp chế tiếp thu ý kiến của các đại biểu để sớm hoàn thiện lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.