Sử dụng xỉ hạt lò cao: Giảm phát thải CO2, nâng cao chất lượng công trình xây dựng

05/10/2018 13:52

(TN&MT) – Sáng 5/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam tổ chức Hội thảo thực trạng công tác chế biến và sử dụng xỉ gang thép ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết: Trải qua trên 50 năm xây dựng và phát triển, công nghiệp thép Việt Nam ngày nay đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp gang thép Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao. Sản lượng gang năm 2018 có thể đạt 7 triệu tấn và sẽ đạt 13 triệu tấn vào năm 2020. Sản lượng thép thô ước đạt 14 triệu tấn vào năm 2018 và có thể đạt 20 triệu tấn vào năm 2020.

 

“Khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép năm 2018 có thể đạt 4,23 triệu tấn và dự kiến đạt 7,1 triệu tấn năm 2020. Việc xử lý và sử dụng xỉ luyện gang và luyện thép mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường và có đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững” - TS. Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam phát biểu

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, TS. Mai Văn Thanh cho biết kết quả nghiên cứu chế biến, tiêu thụ và sử dụng xỉ hạt lò cao nghiền mịn (GGBS) làm phụ gia cho sản xuất xi măng và bê tông tại Tập đoàn Hòa Phát đã tạo ra bước đột phá, có thể cung cấp khối lượng lớn vật liệu GGBS cho thị trường xi măng và bê tông.

 

Theo TS. Mai Văn Thanh, lợi ích của việc sử dụng GGBS gồm: sản xuất được xi măng và bê tông bền xâm thực nước biển, xâm thực sunfat, bê tông tỏa nhiệt thấp và bê tông mác cao, bê tông tính năng cao; giảm giá thành bê tông trộn sẵn khi thay thế 30-50% GGBS cho xi măng PC50, PCB40, XM xá công nghiệp do giá bán thấp hơn giá xi măng; tăng sản lượng xi măng mà không cần đầu tư thêm máy nghiền, góp phần giảm phát thải CO2 cho công nghiệp xi măng.

 

TS. Mai Văn Thanh kiến nghị: Để sản phẩm GGBS (của Hòa Phát nói riêng và Việt Nam nói chung) sớm đưa vào sử dụng đại trà, mang lại lợi ích cho các đơn vị sử dụng và cho ngành xây dựng, rất cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đầu tư nghiên cứu, sử dụng. 

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, TS. Mai Văn Thanh
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, TS. Mai Văn Thanh phát biểu

“Các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào việc tính toán, lựa chọn cấp phối tối ưu cho các chủng loại bê tông, phù hợp với nguồn cốt liệu, đặc điểm khí hậu của từng vùng, nghiên cứu lựa chọn phụ gia hóa học tương thích nhằm cải thiện tính công tác của bê tông. Ưu tiên nghiên cứu chế tạo bê tông mác cao, bê tông tính năng cao và bê tông mác siêu cao sử dụng nguồn phụ gia này”- TS. Mai Văn Thanh đề xuất.

Tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Tài nguyên CHC Việt Nam cho rằng xỉ hạt lò cao đã được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết đều xem là sản phẩm có thể tự do mua bán. Sử dụng xỉ hạt lò cao có thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm lượng phát thải CO2 và nâng cao chất lượng của các công trình xây dựng.

 

“Hiện nay các quy định quản lý về sử dụng xi măng hạt lò cao của Việt Nam đã đầy đủ và rõ ràng. Sau khi đạt được chứng nhận hợp quy hợp chuẩn, xỉ hạt lò cao mới có thể được sử dụng như trong tiêu chuẩn quy định” – đại diện này cho biết.

 

3
Quang cảnh Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Công ty Siam City Cement Public Company Profile (SCCCC) đề xuất cho phép nhập khẩu xỉ lò cao làm nguyên liệu thô để sản xuất xi măng (không phải là mục đích thương mại); ưu đãi cho các nhà sản xuất xi măng có sử dụng nguyên liệu thứ cấp/thay thế; tăng cường chất lượng xỉ trong nước (MgO < %) và tính sẵn có của nguồn xỉ; xỉ nhập có thể thông quan theo QCVN 16/2017 BXD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng xỉ hạt lò cao: Giảm phát thải CO2, nâng cao chất lượng công trình xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO