(TN&MT) – Đó là khẳng định của ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc dự án Bk- Ebike tại hội thảo “Bk-Ebike - Giải pháp tăng cường sử dụng giao thông công cộng và giảm ô nhiễm môi trường” vào sáng 30/6 tại Hà Nội. Hội thảo do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) tổ chức.
Mục đích của hội thảo nhằm đánh giá, tổng kết giai đoạn một của dự án Bk-Ebike, và chia sẻ định hướng giai đoạn hai. Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc dự án Bk- Ebike cho biết: Ở Hà Nội, nếu trung bình đi hết quãng đường 100km thì xe máy dùng hết 3 lít xăng và xả thải ra 2,4x3 = 7,2 kg CO2 quy đổi. Trong khi đó, xe điện Bk-Ebike chỉ tiêu thụ 1,2 kwh, xả thải ra 0,5kg CO2 quy đổi. “Như vây, sử dụng xe điện Bk-Ebike giảm phát thải CO2 14 lần so với dùng xe máy xăng cho quãng đường 100 km” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo |
Theo Giám đốc dự án Bk- Ebike thì mô hình thí điểm cho thuê xe đạp điện tại Hà Nội đáp ứng tốt đòi hỏi về bảo vệ môi trường; phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho sinh viên, thanh niên, được xã hội quan tâm; yếu tố không gian, địa điểm triển khai dịch vụ là mấu chốt đảm bảo tính khả thi về kinh doanh và phát triển mô hình.
Qua đánh giá trên, ông Phạm Tuấn Hiệp đề xuất: Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành hệ thống; Tập trung kết nối với hệ thống giao thông công cộng (tĩnh và động); Chính quyền thành phố Hà Nội khuyến khích mô hình hợp tác công- tư (PPP).
Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch HĐTV BK-Holdings phát biểu tại hội thảo |
Đồng quan điểm với ông Phạm Tuấn Hiệp, ông Hoàng Văn Tú - Trưởng đại diện nhà tài trợ Caritas Thụy Sỹ tại Việt Nam chỉ ra những định hướng cũng như mục tiêu của dự án Bk- Ebike trong năm 2015: Thử nghiệm mô hình kết nối đa điểm (giao dịch đồng bộ đa điểm, thuê điểm này, trả điểm kia); Thử nghiệm mô hình giao dịch bán tự động, tương tác qua điện thoại thông minh; Thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư…
Theo ông Hoàng Văn Tú, tổ chức Caritas sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty BK-Holdings và trường Đại học Bách khoa Hà Nội để triển khai dự án Bk-Ebike với quy mô tối thiểu từ 5 đến 7 điểm.
Ông Phạm Tuấn Hiệp ước tính, sau 4 tháng qua, khách hàng của dự án đi được 150.000km, giảm thải 10 tấn CO2 cho Hà Nội |
Tại hội thảo, phần lớn các đại biểu đều mong muốn, dự án sẽ ngày càng phát triển để tạo thành mô hình kết nối đồng bộ giữa xe đạp điện với hệ thống giao thông công cộng khác. “Để có được thành công đó, rất cần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông trong nước cũng như các tổ chức phát triển quốc tế đồng hành cùng dự án, tiếp tục thử nghiệm và mở rộng hơn nữa mô hình dự án, nhằm hướng đến giải pháp “giao thông xanh” cho Hà Nội!” - ông Hoàng Văn Tú bày tỏ.
Chia sẻ với phóng viên baotainguyenmoitruong.vn bên lề hội thảo, ông Trần Văn Bình - Chủ tịch HĐTV BK-Holdings cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Bk-Ebike đã thành lập được 3 điểm cho thuê xe đạp điện ở trường Đại học Bách khoa, trường Kinh tế Quốc dân và trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Công ty BK-Holdings đã thành lập ý tưởng mở rộng mô hình cho thuê xe đạp điện trên địa bàn TP và cam kết với nhà tài trợ Caritas từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm 3 điểm nữa ở phố Cổ, Mỹ Đình Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Mai Đan