Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Qua báo cáo cụ thể tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn 2011-2016, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu với đoàn công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Tình hình huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với phạm vi, quy mô các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TN&MT.
Bên cạnh đó, các quy trình lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án còn qua nhiều khâu nên việc triển khai thực hiện dự án phần nào chậm, việc giao kế hoạch vốn nước ngoài còn bị động, thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi.
Ngoài ra, qua việc triển khai thực tiễn vốn ODA thì thường xuyên vướng những ràng buộc với bên cho vay ODA và đơn vị sử dụng phải thực hiện theo yêu cầu của bên cho vay. Đây là điều bất lợi khi triển khai ODA nói chung, trong đó có ODA của lĩnh vực TN&MT.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trong buổi làm việc với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
Do vậy, nhằm nâng cao chất lượng huy động, quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ TN&MT kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn, đơn giản hoá các thủ tục trong công đoạn này nhằm nhanh chóng tiến hành đàm phán, ký kết với nhà tài trợ về vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Đồng thời, về quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thoả thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi như hiện nay vẫn còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Bộ Tn&MT cũng kiến nghị rút ngắn quy trình lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, và báo cáo cấp có thẩm quyền, nhanh chóng thống nhất nội dung, để đàm phán, ký kết với nhà tài trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng vấn đề ODA phải đưa ra những cơ chế vận hành, những tiêu chí, tầm nhìn bao quát để những đơn vị bên dưới thực hiện, triển khai tốt hơn.
Quang cảnh buổi làm việc |
Đối với các lĩnh vực phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của Bộ TN&MT đang triển khai phải cần một nguồn kinh phí rất lớn, không thể huy động đủ nguồn lực kể cả ODA, kể cả ngân sách. Do vậy, Bộ trưởng mong muốn Bộ TN&MT được chủ động đề xuất xin cơ chế, để thực hiện sao cho hiệu quả nhất, đưa ra các mô hình phát triển xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực xã hội.
Thông qua Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng kiến nghị chính phủ, Quốc hội nên đưa ra những quy định, chế tài người gây ra ô nhiễm phải trả phí môi trường. Đối với những dự án ODA hoặc có sử dụng vốn vay thì phải chứng minh được tính hiệu quả của dự án đó và khả năng phải trả lại nợ. Đơn vị nào, địa phương nào đáp ứng được điều kiện này thì nên ưu tiên.
Về vấn đề hiệu quả đầu tư, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ chế gắn trách nhiệm hiện nay do có quá nhiều người cùng tham gia. "Phải gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu địa phương hoặc chủ đầu tư. Không gắn được trách nhiệm thì không nâng cao được hiệu quả" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Khương Trung