Với sự phát triển của nền kinh tế, đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững. Những thách thức này chỉ có thể giải quyết bằng con đường khoa học công nghệ.
Theo cách nhìn mới thì tài nguyên thiên nhiên có tính hữu hạn và vô hạn. Các tài nguyên không tái tạo là hữu hạn, nhưng hệ thống tài nguyên còn lại là bỏ ngỏ, vô hạn tương đối. Vấn đề cốt lõi là làm cách nào để nhận biết được và khai thác nguồn tài nguyên còn bỏ ngỏ.
Ảnh minh họa |
Ngay với đất đai, đầu vào quan trọng của mọi quá trình sản xuất, việc phân bố chưa hợp lý, yếu kém trong quy hoạch và cả tưởng chạy theo thành tích đang làm mất đi các diện tích đất châu thổ quý giá ở 2 vựa lúa chính của cả nước. Trong khi đó, các vùng đất thích hợp hơn cho công nghiệp đã không được tận dụng, thậm chí ngay trong phạm vi một địa phương. Đáng quan ngại hơn, để phục vụ mục tiêu công nghiệp, nhiều địa phương thu hồi đất canh tác 2 - 3 vụ lúa, nơi chỗ dựa sinh sống của nhiều vạn hộ dân, đẩy họ đến chỗ thất nghiệp, tạo ra các xáo trộn xã hội sâu sắc.
Khoáng sản là nguồn lực quan trọng, đầu vào của sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực này cũng đang bị khai thác và sử dụng lãng phí, chưa thực sự bền vững.
Theo Báo cáo, tỷ lệ thất thoát tài nguyên trong khai thác khoáng sản của Việt Nam rất cao trung bình 40 - 50% đối với khoáng sản rắn. Trong chế biến khoáng sản, độ thu hồi cũng rất thấp, như vàng xấp xỉ 20 - 30%. Nhiều mỏ vàng trên thế giới có hàm lượng trung bình 1,5 g/tấn, song chỉ tiêu này ở Việt Nam là gấp đôi, đồng nghĩa một nửa nằm trong số đó vẫn nằm lại trong lòng đất không thể khai thác được.
Bên cạnh đó, việc khai thác vô tội vạ, thiếu khoa học đang để lại hậu quả ô nhiễm nguồn nước (do sử dụng hóa chất trong khai thác), đổ chất thải bừa bãi, thay đổi hệ sinh thái khu vực do phá rừng, gây xói lở đất. Hệ thống chỉ tiêu tính trữ lượng của Việt Nam còn lạc hậu, chưa chuyển đổi phù hợp với hệ thống đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế của thế giới.
Với quy mô và thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bảo vệ môi trường nhất thiết phải sử dụng công cụ khoa học và công nghệ. Để thực hiện điều này, việc nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến cần được thực hiện khẩn trương và bảo đảm ứng dụng ngay vào thực tiễn.
Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị cũng vậy. Nhiều thành phố cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai. Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tượng thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng cao hơn.
Theo Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, đến nay, đã có hàng loạt các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, việc xây dựng thành công mô hình trạm cấp nước sinh hoạt cho vùng ngập lũ hàng năm; công nghệ xử lý nước thải cho làng nghề giấy, chăn nuôi lợn… Các công nghệ chuyển giao cho địa phương đều được đánh giá tốt .
Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu sử dụng công nghệ sạch, công nghệ tái chế, sử dụng chất thải, khí thải… cũng đã được chuyển giao và áp dụng kịp thời vào thực tiễn.
Đặc biệt, thời gian qua, hướng nghiên cứu phát triển các công nghệ sạch đã được các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học hết sức quan tâm. Có thể kể đến các nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ tái chế, xử dụng chất thải như bùn đỏ, đuôi thải mỏ phục vụ mục đích xử lý ô nhiễm môi trường nước thải công nghiệp, làng nghề, nước thải phòng thí nghiệm; nghiên cứu các các dạng tai biến, ảnh hưởng của nước biển dâng do BĐKH, nứt sụt đất, lũ quét…
Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài và là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước. Để đáp ứng mục tiêu này, con đường duy nhất là phát triển các năng lực con người và tri thức KH&CN để có thể khai thác lâu dài nguồn tài nguyên vốn không phải là vô hạn.