Hiện nay, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp được áp dụng đã cho thấy hiệu quả của việc quản lý, cải cách hành chính cũng như cập nhật biến động. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã có hơn 39.000 GCN được cấp mới và hơn 69.000 giấy được cấp đổi, ngoài ra, còn lập các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho gần 173.000 trường hợp. Đồng thời, cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên vào hồ sơ địa chính cho gần 189.000 thửa đất để dễ quản lý, theo dõi và rút ngắn được thời gian khi người dân có nhu cầu làm các thủ tục có liên quan đến thửa đất đang sử dụng.
Còn tại Đà Nẵng, sau 2 năm triển khai, Văn phòng đã thực hiện đăng ký cấp lần đầu được 23.291 GCN với diện tích 31.215ha, giải quyết gần 90.000 hồ sơ đăng ký biến động sau khi cấp GCN. Đặc biệt, thời gian cấp GCN lần đầu cho người sử dụng đất là 15 ngày, trường hợp được giao đất; trường hợp được cho thuê đất, được bố trí tái định cư, cấp đổi bổ sung quyền sở hữu đất là 10 ngày; trường hợp cấp đổi do bị rách, nhoè là 7 ngày. Việc trễ hẹn chỉ ở mức dưới 3% so với tổng số hồ sơ được giải quyết.
Tuy nhiên, ở các địa phương trên cả nước, tình trạng các hồ sơ địa chính không được đầy đủ, thất lạc, ảnh hưởng đến công tác lưu trữ và hồ sơ không được cập nhật theo dõi chỉnh lý biến động kịp thời dẫn đến có nhiều hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng nhà trái phép để làm nhà ở của người dân hay việc buông lỏng quản lý của địa phương. Việc giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quận huyện còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng biến động đất đai diễn ra thường xuyên và ngày càng sôi động khiến cho tình trạng vi phạm đất đai ngày càng gia tăng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, Bộ TN&MT đã và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng mô hình quản lý biến động tài nguyên; hoàn thiện công cụ quản lý và nâng cao năng lực giám sát biến động sử dụng đất.
Theo đó, xác lập cơ sở khoa hoc, đề xuất mô hình quản lý biến động tài nguyên, xây dựng Bộ công cụ kỹ thuật, quy trình công nghệ trong quản lý biến động tài nguyên theo các chỉ tiêu thống kê có tính độc lập, khách quan, chính xác và hiệu quả. Tích hợp các thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về tài nguyên, chiết xuất từ ảnh viễn thám phục vụ các hoạt động giám sát tài nguyên đất theo chuyên đề, giám sát định kỳ hay đột xuất của Bộ TN&MT, các Sở TN&MT; xác định kịp thời các biến động tài nguyên đất đai.
Đồng thời, xác lập được kênh giám sát hoạt động quản lý và sử dụng đất từ cộng đồng; áp dụng thử nghiệm xây dựng được mô hình, quy trình công nghệ quản lý biến động đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Sau đó, chuyển giao kết quả nghiên cứu tới các địa phương phục vụ kiểm tra, giám sát sử dụng đất.
Nhờ đó, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được triển khai đồng bộ, hiệu quả góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Lan Anh