Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, trong thời gian qua, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được ban hành với khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc, đã nêu cao tính răn đe, tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, ý thức BVMT của doanh nghiệp đã từng bước nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện.
Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần tác động sâu sức đến nhận thức của các tầng lớp người dân trong xã hội, cải thiện môi trường đáng kể ở nơi công cộng các khu đô thị, khu dân cư.
Song, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay, như: Chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt như: xử phạt đối tượng là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công…; một số thuật ngữ, cụm từ sử dụng trong Nghị định chưa rõ cách hiểu, chưa thống nhất; một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi...
“Vì các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan...” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh.
Theo đó, để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, xây dựng, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể.
Quan điểm khi xây dựng Nghị định sửa đổi lần này là kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung những quy định tại Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (được ban hành ngày 13/5/2019) nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện của văn bản; đồng thời bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Khắc phục, xử lý những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.
Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ kế thừa nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện hành còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2020 và dự kiến sẽ trình Chính phủ thông qua trong năm 2020, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP tập trung sửa đổi những Điều, khoản cho phù hợp với các quy định mới, khắc phục các bất cập bức thiết.
"Nghị định sửa đổi sẽ giữ nguyên một số điều hiện nay đang phát huy được tính thực tiễn cao như thẩm quyền xử phạt, phân định thẩm quyền xử phạt, giữ nguyên mức xử phạt để đảm bảo tính ổn định và tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của Nghị định phục vụ việc sửa đổi toàn diện Nghị định sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực”, ông Thịnh cho hay.
Với quan điểm như vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có 03 Điều và phần phụ lục, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP; Điều khoản thi hành; Trách nhiệm thi hành và phụ lục.
Dự thảo sửa đổi tất cả 30 điều/62 điều, trong đó sửa đổi 05/07 điều tại Chương I; sửa đổi 23/40 điều tại Chương II; sửa đổi 01/13 điều tại Chương III; sửa đổi 01/02 điều tại Chương IV của Nghị định 155/2016 -CP.
Một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như: Bổ sung, quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính). Sửa đổi, bổ sung, giải thích một số từ ngữ để thống nhất trong các quy định tại Nghị định như: công trình bảo vệ môi trường, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, chất thải rắn thông thường đặc thù. Bổ sung căn cứ xác định mùi hôi thối để xử phạt vi phạm hành chính; cách thức xác định thải lượng nước thải để xử phạt vi phạm hành chính. Sửa đổi, bổ sung nội dung không áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu (để áp dụng đối với các đối tượng như bệnh viện công, bãi rác chung của tỉnh/thành phố)…
Ghi nhận sự nỗ lực của đơn vị soạn thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, rà soát lại thể thức của Nghị định theo đúng quy định. Tổng cục cũng cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài Bộ để hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 11/2019.