Sông Vạc oằn mình vì "cát tặc": Bãi cát trái phép lấn chiếm đê tả

17/05/2017 00:00

(TN&MT) – Không chỉ tuyến đê hữu sông Vạc đoạn qua xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) xuất hiện các bãi cát trái phép khổng lồ, tập kết, kinh doanh một cách ngang nhiên suốt một thời gian dài gây bức xúc dư luận, mà tuyến đê tả sông Vạc đoạn qua xã Kim Chính cũng chung “số phận” với nhiều điểm, nhiều bãi trái phép, thậm chí có bãi dài cả km dọc đê vẫn mặc sức tung hoành nơi đây mà không hề bị xử lý.

Men theo tuyến đê tả sông Vạc từ thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn) hướng về ngã ba sông Đáy – sông Vạc. Theo quan sát của PV, dọc tuyến đê tả này có tới 2 vị trí tập kết cát trái phép, một vị trí nằm sát đê, sát khu dân cư. Và vị trí còn lại ngay dưới cầu Chì Chính là bãi cát khổng lồ của Công ty TNHH MTV Long Hải thuộc xóm 9, xã Kim Chính, theo ước tính, bãi cát này có chiều dài dọc đê tả sông Vạc chừng gần 1 km, được chia làm hai khu vực phía đông và phía tây cầu Chì Chính để tập kết. Tại thời điểm PV tác nghiệp, mọi hoạt động, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát vẫn được diễn ra một cách ngang nhiên. Dưới sông tàu cát tấp nập cập bến rồi dùng hệ thống vòi rồng công suất lớn bơm cát từ dưới các tàu lên. Trên bãi cát khổng lồ này được xây dựng, lắp ráp rất nhiều cẩu điện và máy xúc, xe vận chuyển cát nối đuôi nhau ra vào “ăn hàng”.

Bãi cát khổng lồ dài hàng km án ngữ đê tả sông Vạc của Công ty Long Hải
Bãi cát khổng lồ dài hàng km án ngữ đê tả sông Vạc của Công ty Long Hải

Ra gần ngã ba sông Đáy – sông Vạc là bãi tập kết than ngoài đê tả, sát mép nước của Nhà máy gạch Kim Chính, bãi than này dài chừng  100 m, rộng trên 10 m, chiếm trọn bãi bồi ngoài đê tả sông Vạc. Nhà máy này còn xây dựng cả băng chuyền, trụ cẩu điện ngay ngoài đê. Trong đê thì là bãi nguyên liệu sản xuất cao 4 – 6 m, cũng đánh chiếm luôn cả an toàn hành lang đê điều, thậm chí còn tràn cả lên mặt đê

Nhiều người dân tại đây cho biết: Các bãi cát này tồn tại đã rất nhiều năm nay, trong quá trình hoạt động, các bãi cát, bãi than này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà các xe vận chuyển chạy trên đê cũng gây hư hỏng xuất cấp mặt đê, nhiều đoạn đã bị nứt gãy mặt bê tông gây nguy hiểm cho người dân lưu thông qua tuyến đê này. Đó là chưa kể đến việc họ dùng sức nước bơm hút cát lên thì với lượng nước lớn như vậy ai dám chắc sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của tuyến đê trọng yếu này.

Mọi hoạt động tập kết, vận chuyển cát của Công ty Long Hải vẫn diễn ra ngang nhiên sau khi xã Kim Chính xử phạt, yêu cầu giải tỏa
Mọi hoạt động tập kết, vận chuyển cát của Công ty Long Hải vẫn diễn ra ngang nhiên sau khi xã Kim Chính xử phạt, yêu cầu giải tỏa

Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Kim Chính cho biết: Vị trí bãi tập kết cát trước kia là đất thùng đào, khi triển khai xây dựng tuyến đường QL 10 tránh thị trấn Phát Diệm thì hai bãi cát này được huyện Kim Sơn  cho thuê đất với thời gian 29 năm với mục đích tập kết vật liệu xây dựng phục vụ làm đường? Tuy nhiên, khi PV đề nghị tiếp cận văn bản cho thuê đất của huyện Kim Sơn thì ông Thành lại “chối khéo” bằng việc cán bộ giữ hồ sơ đi vắng?

Các bãi cát trái phép vẫn mặc sức ngang nhiên hoạt động
Các bãi cát trái phép vẫn mặc sức ngang nhiên hoạt động

Thế nhưng, theo người dân dự án đường thì cũng đã hoàn thành từ lâu nhưng vẫn thấy họ thường xuyên bơm hút, vận chuyển. Vị Chủ tịch xã còn cho biết: Bãi than của Nhà máy gạch Kim Chính và các bãi cát địa phương cũng vừa kiểm tra, xử lý, xử phạt vì vi phạm hàng lang bảo vệ đê điều. Riêng vị trí bãi tập kết cát khổng lồ của Công ty TNHH MTV Long Hải thì xã lại xử phạt cá nhân cá nhân là bà Hoàng Thị Thắm – Quản lý bãi cát của Công ty Long Hải với số tiền 5 triệu đồng và yêu cầu giải tỏa toàn bộ số cát đã tập kết ra khỏi hành lang đê, trả lại hiện trạng ban đầu hành lang đê. Tuy nhiên, đến nay mọi hoạt động tập kết, bơm hút cát vẫn được diễn ra, chưa thấy động thái di dời, giải tỏa của doanh nghiệp.

Bãi than trái phép tập kết ngoại đê tả sông Vạc của Nhà máy gạch Kim Chính
Bãi than trái phép tập kết ngoại đê tả sông Vạc của Nhà máy gạch Kim Chính

Đặc biệt hơn, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Hoàng Thị Thắm – Quản lý bãi cát của Công ty TNHH MTV Long Hải lại khẳng định: Diện tích tập kết cát là doanh nghiệp thuê với xã Kim Chính thời hạn là 30 năm, bắt đầu tập kết từ năm 2001, hiện đơn vị bán hết cát, không tập kết mới?

Bãi tập kết nguyên liệu và trụ cẩu điện lấn chiếm mặt đê của Nhà máy gạch Kim Chính
Bãi tập kết nguyên liệu và trụ cẩu điện lấn chiếm mặt đê của Nhà máy gạch Kim Chính

Doanh nghiệp khẳng định xã cho thuê đất, xã lại “đổ” cho huyện, phải chăng còn nhiều khuất tất trong vụ việc này. Đề nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh Ninh Bình nhanh chóng kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.

Bài & ảnh: Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Vạc oằn mình vì "cát tặc": Bãi cát trái phép lấn chiếm đê tả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO