Sóng thần ở Indonesia: Số người chết tăng cao, lực lượng cứu hộ ráo riết tìm kiếm người sống sót

25/12/2018 19:30

(TN&MT) – Ngày 25/12, các nhân viên cứu hộ Indonesia đã sử dụng máy bay không người lái và chó nghiệp vụ để tìm kiếm những người sống sót trên khu vực bờ biển phía Tây đảo Java. Nơi đây bị hàng loạt cơn sóng thần tàn phá, làm chết ít nhất 373 người, với cảnh báo sẽ còn nhiều nạn nhân hơn khi mở rộng tìm kiếm.

Nhân viên cứu hộ sử dụng chó để tìm kiếm nạn nhân giữa các mảnh vỡ sau khi sóng thần tấn công eo biển Sunda tại Rajabasa ở Nam Lampung, Indonesia vào ngày 25/12/2018. Ảnh: REUTERS / Stringer
Nhân viên cứu hộ sử dụng chó để tìm kiếm nạn nhân giữa các mảnh vỡ sau khi sóng thần tấn công eo biển Sunda tại Rajabasa ở Nam Lampung, Indonesia vào ngày 25/12/2018. Ảnh: REUTERS / Stringer

Những đám mây tro dày tiếp tục phun ra từ Anak Krakatau, hòn đảo núi lửa - nơi một miệng núi lửa phun trào khi thủy triều lên cao vào ngày 22/12, gây ra sóng thần tại các khu vực ven biển ở 2 bên eo biển Sunda giữa các đảo Sumatra và Java.

Ít nhất 128 người vẫn mất tích. Hơn 1.400 người bị thương và hàng ngàn cư dân phải di chuyển lên vùng đất cao hơn, với cảnh báo thủy triều cao kéo dài đến ngày 26/12.

Các nhân viên cứu hộ đã sử dụng máy móc hạng nặng, chó đánh hơi và máy ảnh chuyên dụng để phát hiện và đào các thi thể ra khỏi bùn và đống đổ nát dọc theo bờ biển phía Tây Java trài dài 100 km. Giới chức Indonesia cho biết sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía Nam.

Yusuf Latif, phát ngôn viên của Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia cho biết: “Có một số địa điểm mà trước đây chúng tôi cho là không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi đang tiếp cận nhiều vùng xa hơn ... và trên thực tế có rất nhiều nạn nhân ở đó”.

“Ít nhất 373 người đã chết và 128 người hiện đang mất tích”, ông Cameron Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết vào tối 24/12.

“Mọi thứ đều bị phá hủy”

Các nhà chức trách và các chuyên gia đã cảnh báo về những đợt sóng cao hơn và khuyên người dân tránh xa khu vực bờ biển.

“Kể từ khi Anann Krakatau phun trào mạnh trong nhiều tháng qua, không thể loại trừ trường hợp sóng thần sẽ tiếp tục xảy ra”, Giáo sư Hermann Fritz thuộc Viện Công nghệ Georgia ở Mỹ cho biết.

Các nỗ lực cứu hộ bị cản trở bởi lượng mưa lớn và tầm nhìn kém. Các đội cứu hộ quân sự và tình nguyện đã sử dụng máy bay không người lái để đánh giá mức độ thiệt hại. Một đội đã sử dụng những con chó đánh hơi để tìm kiếm những người sống sót tại câu lạc bộ bãi biển - nơi sóng thần cuốn trôi một sân khấu ngoài trời khi ban nhạc rock Seventeen của Indonesia đang biểu diễn trong một bữa tiệc quy tụ khoảng 200 khách mời.

Sự phá hủy dọc trên phần lớn bờ biển, nơi những con sóng cao tới 2 mét nghiền nát xe cộ, thổi bay những mảnh kim loại, cây ngã, dầm gỗ và đồ gia dụng trên đường và ruộng lúa.

Nurjana, một cô gái 20 tuổi chạy lên đường dốc sau khi sóng thần ập đến. Gian hàng đồ ăn nhẹ bên bờ biển của cô đã bị cuốn trôi.

“Khi phát hiện sóng thần ập đến, tôi đã nhanh chóng mở cửa để tháo chạy và tự cứu mình. Tôi nhảy qua bức tường. Mọi thứ đều bị phá hủy” – Nurjana cho biết.

Ra khỏi eo biển, Anak Krakatau vẫn đang phun trào ra khói trắng và tro bay lên bầu trời.

Cơ quan khí tượng Indonesia cho biết, một khu vực rộng khoảng 64 ha, tương đương với diện tích 90 sân bóng đá của hòn đảo núi lửa đã sụp đổ xuống biển.

Sóng cao hôm 22/12 đã cô lập hàng trăm người trên đảo Sebesi, cách núi lửa khoảng 12 km.

“Chúng tôi bị tê liệt hoàn toàn”, Syamsiar, một thư ký sống trong ngôi làng trên đảo Sebesi nói với Metro TV khi cô kêu gọi thực phẩm và thuốc men.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các cơ quan thảm họa thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sóng thần lần này gây ra không giống như những cơn sóng thần do động đất, do đó, rất khó để có thể thực hiện kịp thời việc cảnh báo.

Ký ức năm 2004

Thời điểm xảy ra thảm họa trong mùa Giáng sinh năm nay đã gợi lên ký ức về trận sóng thần ở Ấn Độ Dương do động đất gây ra vào ngày 26/12/2004, khiến 226.000 người thiệt mạng ở 14 quốc gia, trong đó có hơn 120.000 người ở Indonesia.

Eddie Dempsey, giảng viên về địa chất cấu trúc tại Đại học Hull của Anh cho biết: “Các cơn sóng thần do núi lửa phun trào xảy ra ngay tại bờ biển và thường gần khu dân cư”.

Thực phẩm, nước, chăn và viện trợ y tế đã bắt đầu được chuyển đến khu vực này.

Chánh văn phòng quận Atmadja Suhara cho biết ông đang giúp chăm sóc 4.000 người tị nạn, trong đó có nhiều người vô gia cư.

Ông cũng cho biết: “Mọi người vẫn đang trong tình trạng hoảng loạn. Chúng tôi thường gặp thảm họa nhưng không tồi tệ như lần này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóng thần ở Indonesia: Số người chết tăng cao, lực lượng cứu hộ ráo riết tìm kiếm người sống sót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO