Sông Sêrêpốk “nổi sóng”

27/03/2014 00:00

(TN&MT) - Với người dân Đắk Lắk, từ bao đời nay, sông Sêrêpốk hiện hữu như người mẹ hiền mang đến nguồn sống cho bao thế hệ.

(TN&MT) - Với người dân Đắk Lắk, từ bao đời nay, sông Sêrêpốk hiện hữu như người mẹ hiền mang đến nguồn sống cho bao thế hệ. Từng nổi tiếng với những điểm du lịch hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú lưu giữ nhiều loài cá quý hiếm. Thế nhưng, giờ đây, Sêrêpốk ngày càng “tụt dốc”, mất khả năng điều tiết nước ngầm, suy thoái hệ sinh thái sông, mất chức năng điều hòa sinh thái, đặc biệt là ở khu vực đầu nguồn, khu vực chảy qua vườn quốc gia Yok Đôn. Bởi ngày ngày, dòng sông đang bị “bức tử” do ô nhiễm.
   
Nước thải công nghiệp làm nước sông “hóa” đen, bốc mùi khó chịu.
   
“Ngoi ngóp” thở
   
  Quanh năm suốt tháng sống nhờ vào nghề đánh bắt cá trên sông Sêrêpốk nuôi mấy miệng ăn cho cả gia đình. Thế nhưng, hơn 20 năm gắn bó với nghề, ngư phủ Lê Văn Hiệu (thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ sông Sêrêpốk lại phải oằn mình gánh chịu nhiều “đòn roi” từ con người như những năm gần đây.
   
  Từ năm 2011 đến giữa năm 2013, dòng sông Sêrêpốk bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen ngòm như mực, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hễ đi làm xa thì thôi, chứ khi ở nhà thì dân phải đóng chặt cửa, quạt bật liên tục 24/24.  Thương nhất là người già và trẻ con. Không khí ô nhiễm nên sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cứ dăm ba bữa lại phải đi gặp bác sĩ. Điều đáng nói, không chỉ có cuộc sống người dân bị ảnh hưởng mà ngay cả các loại sinh vật sống trong lòng sông cũng ngắc ngoải.
   
  Trong khoảng thời gian này, hàng tấn cá lớn, cá bé chết trắng nổi lềnh bềnh trên sông. Cá chết nhiều đến độ người dân đổ xô đi vớt cá về vừa ăn vừa bán nhưng cũng không hết. Theo ông Hiệu, thủ phạm “hạ độc” sông Sêrêpốk không ai khác chính là các nhà máy ở Khu công nghiệp Tâm Thắng (huyện Cư Jút, Đắk Nông). “Khi cá chết hàng loạt ở phía hạ lưu Khu công nghiệp Tâm Thắng, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắc Nông đã kiểm tra, phát hiện Nhà máy mía đường Đắc Nông (đóng tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, thuộc Công ty cổ phần mía đường Đắc Nông) đang xả nước thải từ quá trình làm mát thiết bị máy móc, xử lý lò hơi, súc rửa vệ sinh thiết bị nhà xưởng với lưu lượng 24.000 m3/ngày ra sông Sêrêpốk. Kết quả, các mẫu nước thải của nhà máy đều vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép 5,1 lần. “Họ toàn xả thải vào lúc 1-2 giờ sáng. Như thế bảo sao cá không chết cho được. Đến nay, sau khi cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý cứng rắn, dòng sông Sêrêpốk dù đã đỡ ô nhiễm phần nào nhưng thi thoảng vẫn bốc mùi”, ông Hiệu cho biết.
   
  Sau khi phát hiện phát hiện Nhà máy mía đường Đắc Nông xả nước thải gây ô nhiễm dòng sông, UBND tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định xử phạt hành chính Nhà máy Mía đường Đắc Nông 225 triệu đồng. Những tưởng như thế là sông Sêrêpốk có thể “sống yên”. Thế nhưng, đến tháng 6/2013,  Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắc Nông lại bắt quả tang Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp (Khu công nghiệp Tâm Thắng, thuộc Công ty TNHH Đại Việt) tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Cũng trong năm 2013, UBND tỉnh Đắc Nông đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp cho đến khi nhà máy xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải, khắc phục hết các sự cố môi trường gây ra.
   
  Do nguồn vốn eo hẹp nên để đầu tư một hệ thống xử lý nước thải không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, việc các nhà máy công nghiệp mặc nhiên xả thải khiến cả dòng sông Sêrêpốk bị “đầu độc” đã và đang đưa lại nhiều tác động tiêu cực.
   
Hệ lụy khó lường
   
  Trước năm 1980, sông Sêrêpốk vốn là một bộ phận, cân bằng sinh thái và hệ sinh thái rừng ven sông, đồng thời là nơi mưu sinh cho người dân bản địa. Thế nhưng, hiện nay sông Sêrêpốk đã “cạn kiệt”. Không chỉ bị ô nhiễm bởi các nhà máy công nghiệp mà đoạn sông chảy qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn phải gồng mình gánh 11 nhà máy thủy điện. Do đó, vốn dĩ là dòng sông dồi dào nước nhưng đến thời điểm hiện tại, sông Sêrêpốk đã trơ đáy. Hơn 80 hộ dân ở buôn Trí A (huyện Buôn Đôn) chuyên sống nhờ vào nguồn nước của sông đang phải “khóc ròng” vì chưa năm nào họ phải chứng kiến cảnh “khát nước” như năm nay.
   
  Ông Y Thơng Kdoh, trưởng buôn Trí A cho biết: “Bao đời nay nguồn nước sinh hoạt của buôn làng chủ yếu lấy từ sông Sêrêpốk. Thế nhưng, nguồn nước càng ngày càng bẩn, đã thế giờ còn khô cạn. Người dân thiếu nước, cây trồng theo đó cũng chết khô. Mấy chục ha lúa nước của người trong buôn do thiếu nước tưới đã bị mất trắng”.
   
  Sống nhờ vào nghề đánh bắt cá, nhưng đến cuối năm 2013, ngư phủ Lê Văn Hiệu đã phải ngậm ngùi từ bỏ nghiệp đánh cá của mình và chuyển sang làm phụ hồ để kiếm sống nuôi vợ và 3 con nhỏ. Không chỉ có ông Hiệu mà hầu hết các gia đình sống bằng nghề đánh cá trên sông Sêrêpốk cũng phải chuyển nghề.
   
  Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đắk Lắk thừa nhận cá trên sông Sêrêpốk ngày càng ít, 1 số loại cá quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá mõm trâu, trà sóc, sấu xiêm, cá duồng, cá chiên, ngựa xám, cá lăng đuôi đỏ… Nguyên nhân chính cũng bởi do dòng sông bị ô nhiễm nặng, bên cạnh đó việc xây dựng hàng loạt các thủy điện đã khiến dòng sông bị chặn dòng, làm thay đổi tập tính di chuyển và sinh sản của cá.
   
  Trao đổi vấn đề này với PGS. TS Bảo Huy, Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường khoa Nông lâm trường Đại học Tây Nguyên, ông cho biết: “Hiện sông Sêrêpốk đang mất dần khả năng điều hòa sinh thái. Bởi thực tế dòng sông chảy qua Đắk Lắk có chiều dài không dài nhưng lại xây dựng quá nhiều nhà máy và thủy điện. Điều này làm cho từng đoạn sông thiếu nước, mất cân bằng nước vào mùa khô, mất cân bằng hệ thống sinh thái trong lưu vực, đồng thời mang lại những hệ lụy vô cùng lớn”.
   
  Giá trị kinh tế mà thủy điện và các nhà máy mang lại là rất lớn. Thế nhưng, đã đến lúc chúng ta nên có những hành động và giải pháp cụ thể để cứu lấy dòng sông Sêrêpốk, cứu lấy hệ sinh thái phong phú trước kia đã tạo nên niềm tự hào của Đắk Lắk về thủy sản cũng như du lịch.
   
Tuệ Minh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Sêrêpốk “nổi sóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO