Dòng sông hẹp chứa rất ít nước. Sông cạn, xóm làng mừng vì cắt được toóc về lợp nhà. Bọn trẻ chúng tôi thì lo chọn những thân toóc tươi nhất, cắt lấy đoạn giữa dùng làm ống thổi bọt xà phòng. Bóng màu lấp lánh bay cao lên mãi, không vỡ cho tới khi tầm mắt đầu hàng tầng không trắng rợn của bầu trời; rồi nhảy cẫng lên, a ha, cuối cùng là màu trắng!
Tuổi thơ tôi gắn với đồng ruộng. Vui thích được kỳ cọ trâu mỗi chiều và thỏa chí vùng vẫy giữa sông làng xanh mát. Xóm gần sông, nhà nào có con trai cha mẹ đều gắng mua cho cái nơm, to tát hơn là tấm lưới xuống sông bắt cá. Lũ con gái như chị tôi thì cất rớ. Cha tôi vót tre và lấy cái mùng cũ cắt ra; mẹ khâu viền quanh những tấm mùng vuông vức ấy rồi buộc bốn đầu ngọn tre, uốn cong thành rớ, mỗi lần đi cất có đến vài ba chục chiếc. Chiều chiều lứa chị tôi lại rủ nhau ra sông cho tới tối mịt mới về. Tép liều mạng chừng chập choạng, mặt trời au au đỏ và gió từ bên kia rào pha lạnh lùa sóng tiến vô bờ chầm chậm...
Ký ức một dòng sông. |
Thầm cảm ơn sông nuôi cây lúa, để cha mẹ nhọc nhằn cõng anh em tôi về miền sáng. Nhớ cánh đồng sông quê mỗi chiều trên con đường mòn vẹt cỏ, chúng tôi lũ lượt lùa trâu về; đứa xách xâu nhái, đứa xách bao đam, châu chấu, cào cào, mê man hát xẩm. Những đứa hay chăm trâu bò thì dắt chúng ra sông khoát nước và dùng rơm kỳ cọ, con nào con nấy khoái nhăn răng, ngụp miệng xuống nước thở phò phò thỏa mãn sau một ngày kéo cày mệt mỏi. Trong thẳm sâu ký ức, con trâu là ân nhân nhọc nhằn cõng gia đình tôi qua những cánh đồng sình lầy bất tận. Tôi không là mục đồng bởi khi vừa cứng chân, con trâu đã không còn sức kéo cày nữa. Hình ảnh nó giằng lại lúc bị dắt đi bán cứ ám ảnh tôi mãi. Thương con trâu già gắn với ruộng đồng làng quê hơn chục năm trời vẫn gầy rom. Không còn theo trâu lên đồng, không phải đi bứt cỏ nhổ rau dại vào những ngày rét thắt lòng; lại thấy vắng sao. Người nông dân làm ruộng, nhờ trâu cày bừa, dùng phân trâu bón lúa, gặt xong cũng nhờ trâu kéo về, khổ nhất là trục lúa. Cái sân bé tẹo, trâu nai trục bước quay vòng. Thương trâu chóng mặt, anh em tôi vẫn thay phiên để nó nghỉ. Con trâu góp nhiều công sức cho ra hạt gạo nhưng chúng đâu được ăn; cám cũng dành cho heo cho gà. Trâu chỉ ăn rơm thôi. Lại nhớ hôm, tôi lôi dây thừng căng mấy con trâu cũng không đứng dậy bước khỏi ràn. Lạnh quá mà. Hẳn tôi không xóa nổi ký ức về những con đường dẫn lên cánh đồng mỗi sớm có vô vàn ngọn cỏ neo sương. Cảm giác đôi bàn chân như vừa ló ra từ trong chăn, vương nhẹ cỏ thôi đã cái lạnh thấm vào sống lưng. Lũ trẻ chăn trâu và mấy đứa bứt cỏ có mặt trên đồng từ tinh mơ. Buổi chợ hôm đó, bán trâu rồi, về nửa chừng tôi đã ngồi lại bên đường, chờ trâu nhà mình được ai đó dắt ngang mà nhìn trong cơn nghẹn.
Chợt nghĩ tới câu chuyện năm Hậu Nguyên 145 TCN thời vua Hán Cảnh đế, một đứa trẻ “lạ” ra đời trong gia đình quan lại. Nhưng lên 9 tuổi cậu bé đã là một mục đồng "hành thư" thảo những nét đầu tiên về thế sự. Đứa trẻ ấy sau này thành nhà sử học vĩ đại của thế giới mà tác phẩm của ông được văn hào Lỗ Tấn gọi một cách mỹ miều “sử gia chi tuyệt xướng, vô vận chi Ly tao” (bài ca tuyệt vời của sử gia, thiên Ly tao không vần). Cũng từ một triết lý rất đơn giản và gần gụi như chính ở vùng chiêm trũng nước Việt, người cha của sử gia lúc ấy còn giữ chức Thái sử lệnh đã dạy con trai: phải biết khốn khó thế nào mới làm ra hạt gạo; biết quý hạt gạo và những ai làm ra hạt gạo, trong đó có con trâu. Chẳng thế mà hơn 2500 năm về trước, chính Đức Phật đã chỉ bày cách chăn trâu cho mục đồng Svastika là phải “biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết chăm sóc những vết thương của trâu, biết đốt khói un trâu để trâu không bị muỗi đốt, biết tìm đường đi an toàn cho trâu, tìm bến tốt để trâu qua sông, biết chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu…”. Trước thời gian nhập diệt không lâu, Đức Phật đã đứng trước động Saptapanni ngắm cánh đồng lúa chín vàng bất tận được xuyến kẻ những đường xanh của bờ cỏ. Và Ngài ví nó như những chiếc áo phước điền sanghati của đoàn khất sĩ từ bốn phương tụ về núi Linh Thứu nhuộm ánh hào quang… Chính bài học chăn trâu đã đưa Svastika, từ một chú bé nghèo khó thuộc giới ngoại cấp, trở thành Đại đức thánh hiền đảm trách sứ mệnh gieo tiếp những hạt Bồ Đề. Cũng không biết bao kiếp bao đời, chỉ biết nước Việt xưa nay đã lấp lánh không ít Chân Tâm vốn là môn đệ "chân truyền" của Phật. Thời điểm nhà Trần - vua Thái Tông và Thánh Tông vừa từ trận chiến bước ra, đúng năm đó “mục đồng” Nhân Tông cất tiếng chào đời, 1258. Nhưng giặc Nguyên Mông không từ bỏ dã tâm; và nghiệp bá đã đặt hết thảy niềm tin vào triều đại của “vị Phật” này trong hai lần chống xâm lược tiếp theo. 14 năm trị vì với bao chiến tích quá đủ ghi danh vào lịch sử chiến chinh; ông đã nhường ngôi cho con để trở về Yên Tử thanh lọc tâm hồn, đối ẩm với cõi tịnh lạc vô ưu. Những buổi chiều ngồi trên chỏm núi ngóng xuống “tấm cà sa” vô tận mà hoài cảm về một cuộc sống thuần nông thanh khiết.
Vui thích được kỳ cọ trâu mỗi chiều. |
Hồi học phổ thông, cầu Trù đã cũ rích, các thanh chắn gỉ sét. Dấu ấn của bọn Pháp để lại, cũng là chứng tích bao công sức và máu xương của người dân vùng này. Dưới kia mấy cuộc đời? Nhớ cầu. Nhớ sông quê. Nhớ Trạm Bơm. Tôi nhớ những đám ruộng đã gặt từng chân trần giẫm lên gốc rạ, một cảm giác thân thương vừa êm vừa cấn cái ngưa ngứa lòng bàn chân. Gió đêm lướt thướt lộ cả hình hài giữa lưng chừng màu tối. Những đêm trăng mùa hạ lũ chúng tôi thường tụ tập trên cầu Trù hóng gió. Gió từ sông thổi vào mát lạnh. Trong làng có rất nhiều nhà đi cấy dưới trăng. Năm ấy trời đại hạn, ruộng đồng đâu đâu cũng nứt vết chân vịt. Buổi tối, loa xóm thông báo ngày mai sẽ có nước ở đập Cu Lân về. Gia đình tập trung ra đồng gặt cho xong thửa ruộng để mai kịp cày gieo mạ. Trăng vằng vặc. Thả bó lúa đứng lên chợt nghe tiếng ai gọi, trong vắt, đâm bổ vào hồn chết lặng ở đấy. Tôi ngẩn ra giữa ruộng.
Nhà tôi hồi đó được xóm phân cho mảnh ruộng biền (bên mép sông). Cày ở biền phải dùng trâu; gặt phải dùng hái (lưỡi hái gắn vào thanh tre uốn cong, bó lúa vào tay rồi đẩy ngược). Gặt ở biền là cả một ngày hội. Người dùng thuyền, người xếp ván làm bè, ai cũng đưa một cái ghế dài chắc chắn bó lúa; chỗ hò hét, chỗ nói chuyện rỉ rả, chỗ trẻ em thanh niên tranh thủ giăng lưới... Ở biền đỉa rất nhiều; đỉa trâu to và đen, không ai khỏi bị chúng hút máu cho dù đã mang tất dày, bôi vôi. Gặt lúa biền đàn bà con gái kham không nổi, phải nhờ đàn ông mới xuôi. Thời gian sau này gia đình thôi làm ruộng biền bởi lúa chiêm năng suất thấp. Kể từ ngày đó tôi không còn lội xuống sông nữa. Nay đã không hình dung nổi dải đất biền chạy dài thênh thênh bên kia. Có còn những đám ruộng không thể xếp vào loại hình nào mà muốn biết diện tích phải chia ra tính hàng chục hình khác nhau rồi cộng lại. Bên nớ mùa này đất nứt toe như quả dưa gang chín nũn. Những đàn chim Sa Chi bắt đầu bay về nhặt những hạt lúa sắp nẩy mầm, miệt mài cho tới lúc bóng người đầu tiên làm vụ mới xuất hiện đầu cổng làng. Trong vòng một tuần, chỉ còn đôi con trụ lại nhảy cà khiểng trên mặt sông mỗi đêm chờ bạn...