(TN&MT) - Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp về với Sông Mã để chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của huyện vùng cao biên giới này.
Thoát nghèo để bứt phá…
Năm nay, Sông Mã “tròn” 70 tuổi, đang trong đà phát triển mạnh mẽ. Bộ mặt đô thị thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp hướng tới xây dựng đô thị loại IV vào năm 2025. Đường giao thông đến trung tâm các xã được cứng hóa, đảm bảo đi lại bốn mùa. Cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế xã, trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng khang trang…
Trên những triền đồi trước đây chỉ toàn ngô, sắn, giờ đây đang phủ sắc xanh của những vườn cây ăn quả. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sông Mã đã hoàn thành chuyển đổi hơn 6.000ha cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Tạo dựng vùng chuyên canh nhãn với trên 7.500ha và 2.762 lò chế biến long nhãn…
Bí thư Huyện ủy Sông Mã Nguyễn Mạnh Hùng tự hào: 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục phát triển khá, thu ngân sách trên địa bàn bình quân từ năm 2020 đến nay đạt 131 tỷ đồng/năm, luôn vượt dự toán UBND tỉnh giao. Riêng năm 2022 đạt 197 tỷ đồng, vượt 29% dự toán tỉnh giao. Đã hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo từ 40 tuổi trở lên; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 20%.
Nói rồi, ông Hùng đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây, chính là khu chăn nuôi có quy mô kiên cố với hàng trăm con bò, nhưng không phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát, hào hứng: Năm 2020, sau chuyến đi tham quan mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng tại tỉnh Hòa Bình, HTX được UBND huyện hỗ trợ vốn để triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản theo chuỗi giá trị với quy mô 60 con.
Mô hình được triển khai theo hướng nhốt chuồng kết hợp với trồng cỏ nên HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ đưa đệm lót sinh học vào xử lý môi trường. Nhờ đó, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đây cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi bò nhốt chuồng sử dụng đệm lót sinh học trên địa bàn huyện Sông Mã. Sau 2 năm triển khai, quy mô đàn bò đã được nâng lên 100 con, tạo công văn việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương…
Song song với phát triển kinh tế, Sông Mã còn đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh để triển khai các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường tại 19/19 xã, thị trấn.
Dù mới triển khai từ đầu năm 2022, nhưng chương trình đã thật sự lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên những khu dân cư sáng – xanh - sạch - đẹp. Nhân dân vui tươi, phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất trên mảnh đất quê hương.
Đến hết năm 2022, Sơn La có 59 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 huyện Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ thoát nghèo. 199/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 94,1% hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn; 97,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Khơi dậy ý chí vươn lên của nhân dân để giảm nghèo
Từ Sông Mã, vượt hơn 30km đường đèo quanh co, khúc khuỷu, là mảnh đất biên cương Sốp Cộp. Có 8 xã, 106 bản, gần 97% đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ triển khai các chương trình 30a, 135, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần quan trọng cải thiện bộ mặt nông thôn Sốp Cộp.
Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 34,28%.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển KT-XH và các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã có tác động tích cực đối với sự phát triển KT-XH trên toàn tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, mang tính kết nối, thuận lợi cho các hoạt động phát triển KT-XH.
Ban Dân tộc đã thường xuyên tăng cường nắm tình hình đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, nhất là tình hình di cư tự phát, tranh chấp đất đai, tình hình tôn giáo... để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, góp phần ổn định sản xuất, đời sống người dân.
Phó trưởng ban Ban dân tộc tỉnh Lường Văn Toán cho biết: Diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào được quan tâm, nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng gắn liền với công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Một điểm đáng mừng là người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo, khắc phục tâm lý trông chờ, sự ỷ lại vào nhà nước. Người dân đã chủ động học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Năm 2023, cùng với việc tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách để hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm chú trọng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; mở rộng chính sách đối với hộ nghèo không có khả năng lao động để hạn chế tái nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021-2025), tỉnh Sơn La sẽ thực hiện 10 dự án thành phần.
Đến nay, với nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các địa phương đang tiến hành rà soát lựa chọn và phê duyệt hộ thụ hưởng chính sách; lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án xây dựng, nâng cấp các công trình nước sinh hoạt tập trung, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Đồng thời, đã rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai 17 dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại 17 xã thuộc 8 huyện. Đối với Dự án điện nông thôn, dự kiến sẽ cấp điện cho 3.725 hộ sử dụng điện lưới không an toàn, 273 hộ chưa có điện; đầu tư cho 238 hộ dân tộc khó khăn đặc thù là dân tộc La Ha đang sử dụng điện lưới không an toàn và 48 hộ chưa có điện.