Xã hội

Sống khỏe nhờ nuôi hàu

Văn Dinh 30/09/2024 - 22:13

(TN&MT) - Khi mặt trời còn chưa thức giấc, hàng trăm hộ dân ở đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã tất bật để thu hoạch hàu. Con hàu được xem là đặc sản địa phương nhưng cũng là loại hải sản giúp người dân ăn nên làm ra. Nhiều năm qua, nghề nuôi hàu phát triển rất mạnh, với chi phi bỏ ra thấp nhưng giúp cho bà con có thu nhập cao, tạo sinh kế bền vững trên chính quê hương.

Một ngày mới như bao ngày, tầm gần 5 giờ sáng, ông H. T. cùng gia đình đã có mặt ở khu vực nuôi hàu để tiến hành thu hoạch. Trong chốc lát, một lượng lớn hàu đã đầy các giỏ và thuyền,. Ông T. di chuyển thuyền vào bờ, mang về nhà. Dù mệt nhưng ai ai cũng vui.

Ông T. cho hay, trước kia, hàu ở đầm Lập An chủ yếu được người dân khai thác từ nguồn tự nhiên, là nghề tự phát. Từ năm 2000 đến nay, khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, người dân Lăng Cô bắt đầu chuyển sang nuôi hàu bằng dây, giàn, cọc (tre, gỗ, xi măng) trên diện tích mặt nước đầm. Hình thức nuôi hàu phổ biến hiện nay ở đầm Lập An là nuôi trên giá thể lốp cao su. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ dân dần bỏ lốp xe mà nuôi thêm hàu sữa với con giống được cấy ghép trên vỏ hàu khô, xâu thành từng chuỗi bằng dây cước.

hau-1.jpg
Nghề nuôi hàu phát triển mạnh ở Lăng Cô, giúp cho bà con có thu nhập cao, tạo sinh kế bền vững

“Việc nuôi hàu và chăm sóc kéo dài quanh năm, khi hàu đủ to, đẹp, số lượng nhiều, người dân tiến hành thu hoạch. Để có hàu bán thường xuyên, người dân Lăng Cô thường nuôi gối đầu, sau khai thác sẽ tiến hành vệ sinh giá thể để thả xuống nước lại. Nuôi hàu ở đầm Lập An là nghề "làm chơi nhưng ăn thiệt", mỗi vụ nhà tôi thả vài ngàn lốp xe máy, mỗi lốp xe có thể cho thu hoạch 5 - 10 kg hàu chưa tách vỏ. Giá bán hàu chưa tách vỏ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg; hàu đã tách vỏ tầm trên 80.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ nhà tui có thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhờ nuôi hàu mà nhà tui khấm khá hơn, xây nhà cửa khang trang và cũng nhờ con hàu mà con cái được ăn học đàng hoàng”, ông T. nói.

Đầm Lập An còn được gọi là đầm An Cư hoặc đầm Lăng Cô, là một đầm nước lợ, diện tích mặt nước 1.630 ha, được bao bọc xung quanh bởi dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô. Nghề nuôi hàu phát triển mạnh ở đây một phần là nhờ vùng này có môi trường nước sạch, không có các nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

hau-2.jpg
Đầm Lập là “vựa hàu” không chỉ ở Lăng Cô mà còn ở toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trên con đường nhỏ men theo đầm Lập An, chúng tôi nhận thấy, hàng chục điểm bán hàu san sát nhau, tấp nập kẻ bán người mua, không khí nhộn nhịp, rộn ràng tiếng cười nói. Những điểm bán này đa phần là của những người dân vốn dĩ có nuôi hàu và theo kiểu hộ gia đình. Thông thường, những người phụ nữ trong gia đình sẽ có nhiệm vụ lột vỏ hàu, chào mời và bán hàng cho khách, còn đàn ông thì chèo thuyền ra đầm nước thu hoạch hàu rồi đưa về điểm bán hàu. Hàu sau khi đưa lên bờ sẽ được gỡ ra, người nhà và nhân viên ngồi tách rồi ngâm vào chậu nước...

Dọc đường, tôi ghé vào nhà ông Hoàng Cường (thôn Loan Lý) khi ông cùng gia đình bóc vỏ hàu. Ông Cường nói rằng nhà có truyền thống nuôi hàu, một tháng trung bình bán được vài triệu đồng, nhiều lúc gấp đôi gấp ba nếu đắt khách. “Hàu giờ đây không chỉ là món ăn đơn thuần còn được bán làm thức ăn cho hải sản, làm mắm. Hàu cũng tùy theo khu vực nuôi, có chỗ con hàu to hơn, chất lượng hơn chỗ khác. Nghề này có hộ mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng là bình thường, nhờ thế kinh tế rất tốt, ngày càng giàu”, ông Cường nói.

Cũng theo bà con nơi đây, ước tính mỗi ngày Lăng Cô xuất ra thị trường hàng chục tấn hàu tươi. Hiện nay đang vào mùa du lịch của vịnh biển Lăng Cô nên đây cũng là thời điểm hàu bán chạy nhất. Hàu không chỉ được bán trong tỉnh mà còn xuất đi nhiều địa phương trong cả nước.

hau-3.jpg
Những điểm bán hàu phần lớn của những người dân địa phương vốn dĩ có nuôi hàu
và theo kiểu hộ gia đình

Trước những lo ngại của nhiều người về việc nuôi hàu bằng lốp cao su có độc hại hay không, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng kiểm tra, phân tích nguồn nước và các mẫu vật, các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng trên con hàu. Theo đó, các chỉ tiêu cho thấy con hàu đầm Lập An vẫn nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không mang chất gây ung thư.

Vào năm 2020, UBND huyện Phú Lộc phê duyệt đề án khai thác mặt đầm Lập An, với tổng diện tích 1.630 ha. Đề án hướng đến sắp xếp, quản lý việc khai thác và nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái, bảo tồn đầm Lập An giai đoạn 2020-2030. Trong giai đoạn 1 (2020-2025), huyện Phú Lộc chỉ đạo thị trấn Lăng Cô tổ chức bố trí, sắp xếp lại nghề nuôi hàu truyền thống theo hướng giảm số lượng cọc và chia sẻ hợp lý diện tích mặt nước giữa các hộ nuôi. Giai đoạn 2 (2025-2030), chuyển đổi dần theo lộ trình thích hợp từ nghề nuôi hàu truyền thống sang nuôi công nghiệp (nuôi treo giá thể trong lồng bè di động).

hau-4.jpg
Cơ quan chức năng đang định hướng người dân nuôi hàu theo quy hoạch, tạo thu nhập bền vững

Theo UBND thị trấn Lăng Cô, hiện nay có khoảng hơn 500 hộ dân ở 9 tổ dân phố của địa phương tham gia nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, trong đó có 396,4 ha nuôi hàu cọc, giá thể lốp (1.731.400 cọc/lốp).

“Nghề nuôi hàu cho thu nhập cao nên thu hút rất nhiều hộ gia đình theo đuổi để phát triển kinh tế. giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, nuôi hàu hiện nay ở đầm Lập An vẫn không theo quy hoạch vùng nuôi, số lượng nuôi quá nhiều ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng hàu cũng như cảnh quan thiên nhiên.

Địa phương đang triển khai các giai đoạn đầu của đề án khai thác mặt nước đầm Lập An, trong đó đang tập trung thống kê, tuyên truyền, vận động người dân ngừng thả nuôi ngoài vùng quy hoạch theo đề án, di chuyển các cọc hàu, lốp hàu vào vùng nuôi theo quy hoạch. Hướng đến việc sắp xếp lại vùng nuôi, vùng giao thông, luồng lạch, vùng cảnh quan...”, ông Vương Đình Tuân, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thông tin.

Chiều hoàng hôn, ánh mặt trời dịu nhẹ, bà con vẫn chưa ngơi tay với công việc lột vỏ hàu của mình. Có thể khẳng định rằng, Lăng Cô không chỉ là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của xứ Huế mà còn là một trong những địa điểm cung ứng nhiều loại thủy, hải sản ra thị trường; và hiện nay, khu vực đầm Lập An là vựa hàu lớn nhất của vùng vịnh Lăng Cô. Hi vọng người dân sẽ nuôi hàu một cách bền vững, giữ cảnh quan môi trường xung quanh, thu nhập ổn định để làm giàu và luôn tạo được nét đặc trưng riêng bên vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh đẹp thế giới.

Năm 2023, thị trấn Lăng Cô giảm được 16 hộ nghèo, số hộ nghèo đến cuối 2023 là 38 hộ, chiếm tỷ lệ 1,16 %. Trong năm nay, địa phương phấn đấu giảm 9 hộ nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống khỏe nhờ nuôi hàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO