Theo một nghiên cứu mới, các sông băng ở phía Tây của Bắc Mỹ, ngoại trừ Alaska đang tan nhanh hơn bốn lần so với thập kỷ trước, với luồng khí quyển hẹp làm trầm trọng thêm các tác động kéo dài của biến đổi khí hậu.
Băng tan không xảy ra như nhau ở Mỹ và Canada. Các khối băng núi cao nổi tiếng ở dãy núi Cascade ở phía Tây Bắc nước Mỹ phần lớn đã không bị ảnh hưởng bởi xu hướng băng tan này.
David Shean, đồng tác giả tại Đại học Washington, Mỹ cho biết: “Những tổn thất theo dự báo của chúng tôi đã giảm đi vì có thêm rất nhiều tuyết. Trong thời gian tới, chúng ta có thể không may mắn như vậy”.
Theo nghiên cứu được công bố trên Geophysical Research Letters, một ấn phẩm của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, luồng khí quyển hẹp - dòng không khí chảy nhanh trong bầu khí quyển ảnh hưởng đến thời tiết đã thay đổi, làm tăng lượng tuyết ở phía Tây Bắc nước Mỹ và tuyết ít hơn ở phía Tây Nam Canada. Những thay đổi trong luồng khí quyển hẹp ở bán cầu bắc đang ngày càng liên kết chặt chẽ với sự nóng lên toàn cầu.
Theo dự báo, sự nóng lên do con người đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục làm tan chảy sông băng trên núi cao, ngay cả trong các kịch bản mức khí nhà kính vừa phải hơn.
Mặc dù băng tan gấp bốn lần ở phía Tây Bắc Mỹ có liên quan đến biến đổi khí hậu do con người tạo ra nhưng các nhà nghiên cứu không thể khẳng định mức tan này là bao nhiêu.
“Chúng tôi bắt đầu nhận ra những chu kỳ ngắn hơn này có tác động thực sự đến cách các dòng sông băng đang hoạt động và lượng nước được lưu trữ trong các sông băng”, Shean giải thích.
Các sông băng Alaska thu hút nhiều sự chú ý ở Bắc Mỹ vì Alaska nóng lên nhanh hơn so với lục địa Mỹ. Một trong những sông băng cao nhất của Mỹ, Mount Hunter ở công viên quốc gia Denali đang trải qua đợt tuyết tan nhiều gấp 60 lần so với 150 năm trước.
Các sông băng ở Bắc Mỹ được phân tích trong nghiên cứu mới này nhỏ hơn nhiều so với các sông băng ở Alaska, Châu Á và các nơi khác, vì vậy chúng sẽ không phải là tác nhân lớn làm tăng mực nước biển khi chúng tan chảy. Các tác giả cho biết nghiên cứu của họ góp phần quan trọng vào công cuộc quản lý nước, ngư nghiệp và phòng chống lũ lụt.
Khi các sông băng bị thu hẹp, sẽ có ít nước hơn ở các hệ thống sông gần đó khi lượng mưa thấp. Ở một số nơi trên thế giới, hàng triệu người có thể mất đi nguồn cung cấp nước chính.
“Ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ, nếu các sông băng tan chảy hoàn toàn thì có thể làm giảm khoảng 15% dòng chảy của một số lưu vực sông trong các tháng 8 và tháng 9 khô hạn”, Shean nhấn mạnh.
“Chúng ta có thể bị tác động, đặc biệt là nếu chúng ta phải trải qua một năm hạn hán… nhưng nói chung, ít nhất là trong tương lai gần, chúng ta sẽ ổn tại Washington”, ông nói thêm.
Theo Shean, đối với các nhà quy hoạch nước ở phía Tây nước Mỹ, sự thay đổi của tích lũy tuyết sẽ là vấn đề quan trọng hơn băng tan chảy.
Tuy nhiên, thay đổi nhiệt độ nước có thể gây ra vấn đề cho loài cá, và trầm tích cùng với sông băng tan chảy có thể đồ vào đáy sông, khiến chúng tràn bờ trong những cơn mưa lớn.
Các tác giả thu thập dữ liệu bằng cách so sánh hình ảnh vệ tinh của sông băng từ năm 2000 - 2009 và từ năm 2009 - 2018. Họ ước tính sự thay đổi độ cao, yếu tố có thể khó đánh giá với các sông băng nhỏ nhất. Ông Shean cho biết các nhà nghiên cứu khác đang cố gắng thu thập các hình ảnh vệ tinh gián điệp và trên không từ những năm 1950 - 1960 đã được giải mật để họ có thể nghiên cứu những thay đổi lâu dài hơn.